Trưa ngày cuối năm âm lịch 2020 công việc bận rộn nhưng thầy Vỹ, giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, vẫn đến trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Leng trao tặng 10 suất quà Tết. Học sinh thụ hưởng là những em mồ côi cha mẹ, bị thương tật sau sạt lở núi chiều 28/10.
Nhà trường mời thầy Vỹ nán lại ăn bữa cơm cùng giáo viên nội trú nhưng thầy từ chối vì phải đi hơn 35 km kịp về nơi đang công tác để chiều đến lớp dạy học. "Những ngày cận Tết, các mạnh thường quân không về huyện Nam Trà My trao tận tay những món quà cho người dân, học sinh do Covid-19 bùng phát. Họ chuyển đến và nhờ tôi gửi nên tranh thủ thời gian", thầy Vỹ nói.
Thầy Vỹ là anh cả trong gia đình có bảy người con ở thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My. Bố mẹ anh làm nghề buôn bán tạp hóa nhỏ lẻ. Năm 2000, tốt nghiệp trường Trung học sư phạm Quảng Nam, chuyên ngành sư phạm, anh đến trường Tiểu học xã Trà Mai nhận công tác.
Sau bốn năm, thầy Vỹ được điều chuyển đến điểm trường Tak Lũ, thôn 3, xã Trà Mai. Gạo, cá khô thầy cõng từ miền xuôi lên miền ngược, rau được người dân cho. "Ngày đó, từ trường chính đến điểm trường đi bộ 6 tiếng đường rừng. Cuối tuần tôi xuống núi và đầu tuần lên, mùa mưa vài tháng xuống một lần", thầy kể.
Năm 2009, thầy được luân chuyển về trường chính dạy. Ngoài việc đứng lớp, thầy kiêm thêm tổng phụ trách đội. Thường đến Tỉnh đoàn Quảng Nam làm việc, thầy phát hiện trong kho chứa nhiều áo quần củ, dép, khăn quàng đỏ.
Trong khi đó, nơi thầy công tác học sinh nghèo khó, thiếu đồ dùng sinh hoạt và học tập. Thầy xin và đưa lên xe máy chở hơn 100 km về phân phát cho học trò. "Mỗi lần xuống Tỉnh đoàn tôi thấy đồ gì là xin. Những người ở đây thấy tôi xuống là nói vui không cho Vỹ vào kho, thấy cái gì là vét sạch", thầy kể.
Xin ở Tỉnh đoàn chưa đủ, thầy Vỹ gặp gỡ các tổ chức, doanh nghiệp xin kinh phí mua sách vở, áo quần cho học sinh. Ai cho, thầy nhận hết và đưa về cho học trò. Ít thì thầy dùng xe máy, nhiều thì chờ những chuyến xe tải lên trung tâm huyện Nam Trà My chở giúp.
Năm 2013, thầy Vỹ được biệt phái làm chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My. Mua được điện thoại thông minh và biết sử dụng mạng xã hội, thầy thành lập Câu lạc bộ kết nối yêu thương Nam Trà My với 23 thành viên gồm giáo viên, cán bộ đang công tác tại địa phương. Mục đích là kêu gọi xây dựng, sửa chữa các điểm trường tạm bợ.
Có nhiều giáo viên đến điểm trường công tác thấy phòng học lụp xụp, thiếu phòng ở, điện, nước, nhà vệ sinh nên muốn bỏ về. Người trụ lại thì chán nản, ảnh hưởng đến giảng dạy. Học sinh ở trong phòng ngày mưa nước dột, ngày lạnh phải nhóm lửa giữa lớp để sưởi ấm. Trang thiết bị đồ dùng không có, nhiều em cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc.
Ngoài việc gieo chữ, thầy Vỹ muốn kết nối các nhà tài trợ để "mang yêu thương đến cho học sinh". Cuối Tuần, thầy Vỹ cùng thành viên câu lạc bộ chia thành từng nhóm đến điểm trường khảo sát. Những điểm trường này nằm trên núi cao, hẻo lãnh, để đến được đây mất nửa ngày đường.
Mỗi thành viên cõng balô mang theo lương thực, thực phẩm để ăn. Đổi lại những hình ảnh về các điểm trường đưa lên Facebook kèm theo lời kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ. "Thấy học sinh ngồi học dưới nhà tranh tre, nứa lá, nền đất nên nhiều mạnh thường quân liên hệ giúp đỡ. Sau khi có tiền, chúng tôi đến vận động người dân giúp ngày công, vận chuyển vật liệu để xây dựng", thầy Vỹ kể.
Từ 2014 đến nay, câu lạc bộ do thầy Vỹ sáng lập đã kết nối, kêu gọi xây mới, sửa chữa 50 điểm trường và 5 khu nội trú. "Cái ít vài trăm triệu đồng, cái nhiều hơn một tỷ đồng, tổng số tiền huy động hơn trên 25 tỷ đồng", thầy nói và chia sẻ việc làm của câu lạc bộ được các nhà tài trợ tin tưởng nên nhiều người đến Nam Trà My hỗ trợ.
Bên cạnh việc xây trường, thầy Vỹ kêu gọi bữa ăn có thịt, học sinh có sữa uống với kinh phí hàng tỷ đồng. Câu lạc bộ còn xây được 7 ngôi nhà cho các em mồ côi, gia đình khó khăn với kinh phí 445 triệu đồng; lắp đặt 5 khu vui chơi cho học sinh, trao hàng nghìn suất quà gồm nhu yếu phẩm, bánh kẹo, sách vở, quần áo đồng phục, áo ấm, áo mưa, ủng đi mưa, ô che cho học sinh.
Hơn 20 năm công tác ở miền núi, chuyên đi xin đồ cho học sinh, có người nói thầy Vỹ là "khùng, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Gia đình không mấy khá nhưng lại đi xin cho người khác, không dành cho mình". "Tôi bỏ ngoài tai hết. Đi xin vất vả thế nào cũng không ngại, miễn điều hiện học tập và sinh hoạt của tụi trẻ được cải thiện", thầy Vỹ nói.
Ông Võ Đăng Thuận, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Trà My, đánh giá câu lạc bộ do thầy Vỹ sáng lập hoạt động rất hiệu quả. "Những năm qua, thầy Vỹ đã kêu gọi xây dựng được nhiều điểm trường, từng bức xóa được phòng học tạm ở huyện", ông Thuận nói và cho hay câu lạc bộ còn kết nối xây dựng hệ thống điện mặt trời, khu vui chơi giải trí, máy lọc nước và dụng cụ học lập...
Từ ngày câu lạc bộ yêu thương thành lập đã tạo được hiệu ứng tích cực, sức lan tỏa cho nhiều người ở địa phương. Việc này góp phần từng bước xã hội hóa giáo dục, cải thiện phần nào khó khăn của học sinh, giáo viên trên địa bàn.