Cậu học sinh lớp 5 Hồ Hồng Vinh lấy trong hộc bàn một đôi dép mới cứng. "Đường bùn nhiều nên em phải để dành dép mới, mang dép cũ đến khi nào hư mới thay", Vinh nói.
Tất cả học sinh trong trường đều có một đôi dép mới như thế. Đây là dép do cô Ngô Thị Hoa kêu gọi các nhà hảo tâm đến trao tặng. Và không chỉ đôi dép, từ quần áo, sách vở... đến phòng học mới đều có bóng dáng của cô Hoa.
Khi cô giáo đi... xin
Hơn 20 năm trước, cô Hoa tình nguyện làm giáo viên cắm bản ở xã Trà Nham, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi). Ngôi làng hiện nay cách đường chính 10 km với bùn đất và đá núi lởm chởm. Nhưng ngày ấy còn khó khăn gấp bội. Chưa có đường san ủi, cô Hoa cùng chồng phải đi hai ngày, vừa đi vừa ngủ lại nhà dân mới đến nơi.
Khoảng cách địa lý chỉ là rào cản đầu tiên, điều cô phải đối diện mỗi ngày sau đó là quan niệm đã bám rễ sâu vào suy nghĩ của người dân, rằng "học để làm gì?". Câu hỏi ấy không dễ trả lời với một vùng đất mà 99% dân số là người đồng bào dân tộc Cor, gần như tất cả là hộ nghèo. Giữa một bên là cái đói, một bên là con chữ, người giáo viên chỉ biết nhẫn nại gieo vào học trò từng hạt mầm ước vọng.
Hơn chục năm sau, những phòng học lụp xụp bằng tre lồ ô được thay thế bằng ngôi trường khang. Nhưng trường chỉ có 7 phòng học, còn học sinh thì đến 200 em. "Bọn tôi phải dựng nhiều phòng học tạm mới đủ chỗ cho các em", cô Hoa nhớ lại.
Hình ảnh phòng học bằng tre lồ ô bám lấy suốt 20 năm dạy học trở thành nỗi trăn trở trong cô. Nó đại diện cho sự nghèo khổ mà học trò đang đối mặt mỗi ngày. "Cha mẹ các em đi làm chỉ đủ gạo nấu, lấy gì lo cho con học", cô Hoa cảm thán. Mỗi lần về thị trấn rồi lên nhìn lại học trò, cô đều thấy thương cảm.
Ba năm trước, cô Hoa được bổ nhiệm làm hiệu trưởng. Thời điểm này, cô đã là giáo viên "kỳ cựu" nhất trường. Dùng uy tín của mình, cô vận động các thầy cô cùng mình xin người thân, bạn bè quần áo cũ cho học sinh trong trường. "Làm sao để đứa nào cũng có một cái quần, cái áo", nữ hiệu trưởng đặt mục tiêu.
Câu chuyện này đến tai một tiểu thương ở chợ Quảng Ngãi. "Chị ấy nói lúc chợ cũ cháy, các tiểu thương chuyển chợ thì một số mặt hàng bị ế", cô Hoa chia sẻ. Sau khi xin xong, nữ hiệu trưởng huy động các giáo viên mỗi người một xe máy đến chở về Trà Nham, cách TP Quảng Ngãi hơn 100 km.
Lần đó đã khiến cô nhận ra trong xã hội còn nhiều người tốt bụng và có điều kiện để giúp đỡ học trò mình. Đây cũng là khoảng thời gian mà mạng xã hội nở rộ, các đoàn từ thiện ở Quảng Ngãi đưa thông tin hoạt động trên mạng xã hội.
Nhớ ra trường mình vẫn còn 7 giáo viên cắm bản, họ dạy học trong các điểm trường bằng tranh tre nứa lá, cô Hoa thử chụp lại những hình ảnh này đăng lên Facebook và nhờ người thân chia sẻ. Câu chuyện này đến được một đoàn từ thiện, họ lên Tây Trà thực địa và quyết định hỗ trợ xây 3 phòng học kiên cố thay phòng học tạm.
Cô Hoa chia sẻ, đây là điều mà trước đây cô chưa từng dám nghĩ tới, bởi lòng tốt muốn đến nơi này phải vượt qua nhiều thử thách. "Họ chỉ đến được đèo Eo Chim chờ các giáo viên đi xe máy chở vào, vì đường sình lầy trơn trượt", cô Hoa chia sẻ.
Vui đó song vẫn đầy bộn bề xung quanh. Vẫn còn những phòng học bằng tre lồ ô ngay bên cạnh phòng hiệu trưởng. Cô Hoa lại tiếp tục đi xin. "Xin hoài mấy đứa giáo viên nó trêu cô không dị (xấu hổ) à", nữ hiệu trưởng tự trêu mình, gạt tự ái qua một bên.
Mới đây, Bộ Công an tiếp tục giúp trường làm 4 phòng học lắp ghép kiên cố bằng tôn và thép inox sau khi cô Hoa nhờ giúp đỡ.
Cổng vào trường, cổng vào đời
Đứng trong sân trường nhìn các phòng học màu xanh, cô Hoa thở phào: "Vậy là cũng đỡ so với trước đây nhiều, mình cũng mừng dù so với các trường khác thì không đầy đủ bằng".
Nhìn những đám mây lững lờ trôi đằng xa và sương chiều đang giăng xuống, cô Hoa bảo ở đây dù mùa nắng hay mưa thì vẫn lạnh. Chuyện phòng học đã xong, trên hết, các học trò vẫn là mối bận lòng của cô. "Ở đây mình phải chăm chút cho các em từ cái nhỏ nhất. Đầu năm lo đồng phục xong cũng là mùa đông bắt đầu, nếu không xin áo ấm thì các em sẽ lạnh, không đến trường học", cô nói.
Có một điều khác biệt của học sinh vùng cao này so với học sinh ở đồng bằng, thành phố: Các em nghèo như nhau. Cô Hoa nhớ một học trò đặc biệt trong cái nghèo chung ấy. Đó là Hồ Thị Nga, mồ côi mẹ rồi cha cũng mất vài năm sau đó.
"Khi em còn học ở trường, tôi vẫn đem gạo cho chị em nấu. Giờ thì mình kêu gọi được các nhà hảo tâm góp tiền hàng tháng hỗ trợ em đi học đến lớp 6 rồi", giọng cô Hoa có chút tự hào. Cô cho biết Nga học rất giỏi và hy vọng em sẽ đủ nghị lực vượt qua khó khăn để có tương lai tươi sáng hơn.
Ông Nguyễn Hữu Duy - Phó Phòng Giáo dục huyện Tây Trà chia sẻ, địa phương có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục còn khiêm tốn. "Việc huy động nguồn hỗ trợ của cô Hoa là hành động đáng quý", ông Duy nói.
Cô Dương Thị Quỳnh Diễm, giáo viên trong trường, chia sẻ, các thầy cô trẻ đều quý mến nữ hiệu trưởng và luôn sẵn lòng cùng cô tiếp sức cho học trò. "Mỗi khi các nhà hảo tâm đến các giáo viên không ngại đoạn đường vất vả đưa đón. Cô Hoa bảo họ đã có lòng từ xa đến đây, mình chỉ góp công sức giúp học trò thì có gì mà ngại", cô Diễm nói.
Cô Hoa không chỉ là hiệu trưởng mà còn là thủ lĩnh tinh thần truyền năng lượng tích cực cho các giáo viên, tinh thần đoàn kết giúp họ vượt qua khó khăn thiếu thốn để ở lại miền sơn cước.
Trong cái khó ló "sáng kiến". Năm 2017, thấy các biển panô dân số trong xã đã hư hỏng, không còn sử dụng, cô Hoa lên xã xin lấy về làm cổng trường.
Trong trường, có hai giáo viên nam là cử nhân ngành điện, cơ khí. Các chàng trai trẻ giúp cô hiệu trưởng cắt sắt, chỉ thuê một thợ hàn để tiết kiệm chi phí. Sau khi dựng xong cổng, giáo viên trong trường cùng cạo lớp sắt hoen gỉ, rồi mua sơn cùng tô lên.
Cánh cổng ấy được phủ lên một màu sơn xanh mới cứng. Cánh cổng chào đón hàng trăm em nhỏ mỗi sáng đến trường. Giờ ra chơi, các giáo viên đóng lại để đám học trò nghịch ngợm không bỏ trường về nhà. Phía sau nó là nỗ lực và tâm huyết của những giáo viên vùng cao tận tụy để mở rộng cánh cổng vào đời của những trẻ em người Cor.