Ngồi giữa xưởng Maker chỉ chừng 5m2, thầy Phạm Việt Dũng, 31 tuổi, giáo viên trường Tiểu học, THCS và THPT Phenikaa, gửi lời chào tới hơn 20 học sinh lớp 6. Khác với không gian dạy học của các giáo viên, thầy Dũng khiến nhiều em tò mò, hứng thú với "background" không phải là một hình nền ảo. Xung quanh thầy, rất nhiều thiết bị, dụng cụ, vật liệu chế tạo, phục vụ các môn học STEM được sắp xếp ngăn nắp. Mọi thứ như bày ra trước mắt để làm thỏa mãn bất kỳ câu hỏi nào của học sinh.
Sau khi giới thiệu về các quy tắc an toàn khi học chế tạo, lắp ráp, thầy đặt ra tình huống "Khi sửa xe đạp, cần tháo một chiếc bu lông, đai ốc, các em phải làm thế nào?". Qua màn hình, có học sinh trả lời cần dùng cờ lê. Câu trả lời chính xác nhưng khiến nhiều bạn ngơ ngác vì không biết cờ lê là gì.
Không để học trò phải thắc mắc lâu, thầy Dũng quay người ra sau, lấy những chiếc cờ lê với đủ kích cỡ treo trên giá, giới thiệu về hình dạng, kích thước, cấu tạo của chúng. Liền sau đó, thầy lấy chiếc bu lông, đai ốc và dùng cờ lê để vặn vào, tháo ra. Những hành động chậm rãi mang tính hướng dẫn của thầy giáo khiến học sinh không thể rời mắt khỏi màn hình.
Một hôm khác gần dịp trung thu, không dạy trực tuyến trên MS Teams như mọi ngày, thầy Dũng thực hiện video hướng dẫn học sinh và phụ huynh làm đèn trung thu tự quay với những vật dụng đơn giản, dễ kiếm như vỏ lon bia, que xiên thịt, giấy, nến cùng các dụng cụ như kéo, dao rọc giấy, băng dính, thước, bút, bật lửa. Sau khi đăng tải lên Facebook, YouTube và gửi cho học sinh, nhiều em tỏ ra thích thú. Phụ huynh cùng con thử làm, gửi video thành quả về cho thầy. Có đồng nghiệp ở trường khác xin chia sẻ lại video này với học trò.
"Nhờ xưởng Maker tại nhà, việc dạy STEM online của tôi thuận lợi hơn rất nhiều. Nếu không có sẵn những vật dụng và một không gian sáng tạo như vậy, tôi cũng không biết liệu mình có thể truyền tải đầy đủ kiến thức, kỹ năng và tạo sự hứng thú cho học sinh hay không", thầy Dũng nói.
Xưởng Maker tại nhà được thầy Dũng lên ý tưởng từ năm 2016, khi bắt đầu theo học ngành Sư phạm Vật lý dạy bằng tiếng Anh của Đại học Sư phạm Hà Nội. Từng học Đại học Bách khoa Hà Nội hai năm, rồi giành học bổng du học ngành Vật lý và Vật lý ứng dụng tại Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), thầy Dũng thấm nhuần việc "học phải đi đôi với hành". Đặc biệt, các môn học STEM phải gắn liền với thực tế, giải quyết được vấn đề. Điều này bắt buộc giáo viên phải sáng tạo, biết chế tạo, sửa chữa.
Thế nhưng thực tế ở Việt Nam, những kỹ năng trong STEM chưa được đào tạo nhiều. Tốc độ phát triển của xã hội cũng khiến giáo trình ở các trường đại học mau chóng trở nên bất cập. Bỏ ngang ngôi trường thường xuyên đứng trong top 20 thế giới như Công nghệ Nanyang với mong muốn về Việt Nam để làm giáo dục, trúng tuyển trường Sư phạm Hà Nội và học lại bậc đại học ở tuổi 26, thầy Dũng không phải lo lắng về kiến thức lý thuyết nhưng luôn trăn trở phần thực hành. Ngay thời điểm đó, thầy đã chắc chắn phải hình thành một xưởng Maker.
Dù có ý tưởng, muôn vàn khó khăn khiến thầy Dũng khó thực hiện. Từ việc thuyết phục bố mẹ và em gái dành cho một phòng 5m2 trong căn hộ chỉ khoảng 40m2 ở khu tập thể Thành Công, đến kinh phí để mua sắm thiết bị, dụng cụ. May mắn thời điểm đó, một nhóm phụ huynh mong muốn con được học chế tạo một cách thực sự đã tìm gặp thầy Dũng, đồng ý hỗ trợ một phần kinh phí để mua những dụng cụ cơ bản nhất, giúp cho việc sáng tạo các bài giảng và hướng dẫn học sinh.
Có kinh phí rồi, việc mua máy móc, thiết bị rồi vận chuyển tới, sắp xếp trong xưởng cũng là cả vấn đề. Nhà ở tầng 5 khu tập thể, không có thang máy, mỗi lần vận chuyển đồ là cả hành trình với thầy Dũng. "Có lần tôi phải đưa tấm gỗ gần 3m2 vào xưởng chưa đến 5m2 của mình. Đưa được lên tới nơi thì phải xoay ngang xoay dọc sao cho vẫn cưa cắt được trong xưởng đó. Nói vậy chắc mọi người có thể hình dung tôi phải tính toán và mất thời gian như thế nào", thầy Dũng chia sẻ.
Sắp xếp được một cách cơ bản, thầy lại phải tìm cách giảm tiếng ồn, hút bụi để bớt ảnh hưởng tới những người xung quanh. Vừa đi học, dạy thêm, nghiên cứu những bài giảng, sản phẩm mới, vừa phải tính toán từng bước sắp xếp khiến thầy Dũng mất khoảng một năm để xưởng Maker "thành hình".
Những năm sau, từ những dụng cụ thô sơ đầu tư ban đầu như cưa tay, thầy Dũng dùng tiền dạy thêm tái đầu tư vào xưởng, thay cưa tay bằng cưa máy, tìm nguồn mua thêm nhiều máy móc, thiết bị hơn.
Đồ nhiều nhưng diện tích xưởng không hề được cơi nới khiến thầy Dũng cũng phải đau đầu với bài toán sắp xếp sao cho hợp lý. Tự lên mạng mày mò, cuối cùng thầy cũng tạo ra một xưởng mini tại nhà một cách gọn gàng, đủ không gian để thực hiện mọi thao tác như cưa, khoan, đục, lắp ráp tại chỗ. Thầy cũng phải tự học hỏi rất nhiều để có thể làm chủ mọi thiết bị, đảm bảo an toàn trong không gian xưởng.
Cũng nhờ tái đầu tư, thầy Dũng có thể tạo ra những sản phẩm phức tạp hơn để hướng dẫn học sinh như máy phát điện, tua bin gió thay vì những mô hình nhỏ, đơn giản như chiếc hộp gỗ bắt vít, bộ trò chơi xếp hình Trí Uẩn. Từ đó, các bài giảng cũng trở nên đa dạng hơn.
Không chỉ là giáo viên dạy Vật lý và các nội dung STEM, thầy Dũng còn là chủ nhiệm MakerSpace, không gian sáng tạo của trường Phenikaa. Thầy cũng đảm nhiệm vai trò giáo viên Vật lý dạy bằng tiếng Anh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Với những vai trò đó, thầy Dũng cho rằng xưởng Maker tại nhà vẫn đang hỗ trợ rất tốt cho mình.
Trong đợt Covid-19, không được sử dụng không gian MakerSpace rộng hơn 900m2 tại trường, xưởng mini tại nhà dường như phát huy tác dụng hơn rất nhiều. "Một môn thực hành chế tạo nhưng phải dạy online là rất khó. Tôi thật may mắn khi tôi đã có sẵn một xưởng", thầy Dũng nói.
Giáo viên 9X này cho rằng người dạy STEM, nếu có điều kiện, nên trang bị cho mình một không gian sáng tạo, dù rất nhỏ, đồng thời tự học thêm các kỹ năng bên ngoài trường, tránh tình trạng giỏi lý thuyết nhưng không thể hướng dẫn học sinh dùng khoan hay chế tạo ra sản phẩm.