Tại tọa đàm "Hướng dẫn một số nghiệp vụ sư phạm cơ bản trong dạy học trực tuyến ở tiểu học" do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 12/9, TS Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục (Đại học Giáo dục), chỉ ra ba khó khăn nổi cộm trong một tuần dạy học trực tuyến vừa qua. Đó là sự bỡ ngỡ của học sinh, sự căng thẳng của tất cả lực lượng khi tham gia dạy online và sự thiếu hụt mang tính hệ thống về thiết bị kết nối, tài nguyên số.
Theo thầy Cường, một trong những nguyên nhân chính tạo ra khó khăn là cách thức tổ chức hoạt động tương tác giữa giáo viên và học sinh. Thầy nhấn mạnh giáo viên cần tương tác với học sinh bằng hình thức trực tiếp và gián tiếp không chỉ trong giờ học mà cả trước và sau mỗi giờ học online. Ngoài ra, thầy cô cũng cần tương tác với phụ huynh để đảm bảo sự kết nối và trợ giúp từ họ.
Trong số này, việc duy trì tương tác trong giờ học online là khó khăn nhất bởi thời gian học ngắn; sĩ số đông; học sinh tiểu học, đặc biệt lớp 1 chưa có thói quen học hành; kỹ năng của giáo viên khi sử dụng giải pháp công nghệ hay hệ thống kỹ thuật, đường truyền chưa tốt, thiếu thiết bị ngoại vi đồng bộ.
Để giải quyết, thầy Cường cho rằng giáo viên không nên vội vàng dạy kiến thức luôn mà dành 1-2 tuần đầu để làm quen học sinh, phụ huynh; hướng dẫn phụ huynh và các em thao tác cơ bản để bước đầu sử dụng được thiết bị. Giáo viên cũng phải dành thời gian để học sinh trong lớp làm quen với nhau, cho các em trao đổi, chia sẻ nhằm tạo môi trường học tập thân thiện, tâm thế sẵn sàng.
Khi vào các tiết học chính thức, câu chuyện tạo tương tác - kết nối cần được làm bài bản, đầu tư nhiều thời gian, công sức. Thầy Cường đưa ra nhiều lưu ý để làm được việc này.
Đầu tiên, thầy cô phải kiểm tra thiết bị cẩn thận trước buổi dạy online, chuẩn bị học liệu kỹ càng, trong đó lưu ý học liệu số, đồ dùng thiết bị hỗ trợ bài giảng. "Không phải lúc nào chúng ta cũng sử dụng học liệu số được ngay. Vì vậy, tôi mong thầy cô mạnh dạn chuẩn bị thêm những đồ dùng trực quan hỗ trợ", thầy Cường nói.
Theo chuyên gia này, tương tác bằng công nghệ phải linh hoạt, đảm bảo gắn kết chặt chẽ. Giáo viên không nên chỉ giảng bằng lời nói mà cần chuẩn bị nhiều học liệu khác như video, audio, các trò chơi, thẻ nội dung, thẻ quy ước.
Chẳng hạn, khi dạy chữ cái, giáo viên nên có các thẻ vẽ, viết nội dung, hình ảnh liên quan và giơ trước màn hình để học sinh chú ý hơn. Khi yêu cầu các em bật camera, giáo viên giơ thẻ quy ước có hình chiếc camera sẽ hiệu quả hơn là ra sức nói. Hay khi giao bài tập, thay vì chỉ chiếu nội dung bài, thầy cô nên gắn kèm file video hoặc audio để các em có thể nghe lại nhiệm vụ khi làm. Khi đọc, giải thích vấn đề gì đó, các file audio, video cũng tạo sự tường minh và tương tác tốt hơn.
Lưu ý tiếp theo được thầy Cường đưa ra là giáo viên nên chia hoạt động tương tác trong giờ học online sao cho hợp lý. Tổng thời gian học online được khuyến cáo không quá hai tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, giáo viên không nên dạy liên tục trong hai tiếng đó mà phải chia thành các phiên. Những phiên này không nhất thiết trùng với thời lượng tiết học bình thường mà nên không quá 20 phút để giảm căng thẳng của học sinh.
Ví dụ với hai tiếng, giáo viên chia thành 6 phiên, giữa mỗi phiên nghỉ giải lao 5 phút, riêng sau phiên thứ 3 giải lao 10 phút. Với 5 lần giải lao như vậy, học sinh sẽ được thay đổi môi trường.
Dù vậy, giáo viên không nên để mất kết nối với học sinh trong giờ giải lao. Thời gian này, thầy cô có thể cho các em xem video vui nhộn, phát bài hát để các em vẫn có sự gắn kết với thiết bị. Thời gian giải lao không nên để quá dài vì nếu làm như vậy thầy cô sẽ khó khởi động lại cho học sinh nhỏ tuổi với sự chú ý chưa cao và thói quen học tập chưa được hình thành chắc chắn.
Trong khi giờ học diễn ra, giáo viên nên tắt tất cả chức năng để học sinh tương tác trên màn hình, khi cần thiết mới mở bởi nếu luôn luôn mở hết, học sinh có thể bấm lung tung khiến khó quản lý. Điều này đòi hỏi thầy cô phải rèn luyện thuần thục các kỹ năng.
Ngoài ra, thầy cô cũng nên để phông nền ảo suốt thời gian buổi học với biển tên bài; đưa ra các hoạt động tương tác cho học sinh như yêu cầu giơ tay phát biểu, nêu ý kiến, làm động tác đáng yêu, nhận xét câu trả lời của các bạn cùng lớp để giờ học sinh động hơn.
Dần dần, khi học sinh quen với các hoạt động học, giáo viên dạy các em làm quen với khả năng tương tác bằng thiết bị công nghệ. Ví dụ, thầy cô có thể dạy các em bấm chữ A hay số 1 vào hộp chat nếu cảm thấy vui với buổi học. Bằng cách này, học sinh vừa học kiến thức, kỹ năng, vừa bước đầu sử dụng công nghệ.
Một yêu cầu bất di bất dịch với giáo viên là thực hành thuần thục chức năng chia sẻ màn hình và bảng trắng online. Theo thầy Cường, các thầy cô cần dành thời gian thực hành với nó vì chức năng này tích hợp nhiều công cụ để viết, vẽ, kẻ, lập biểu đồ, hỗ trợ đắc lực cho thầy cô trong quá trình dạy.
Bên cạnh những lưu ý trên, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục của Đại học Giáo dục đưa ra nhiều lời khuyên cho giáo viên như không nên nóng vội khi thực hiện hoạt động giảng dạy để đảm bảo tương tác, giúp học sinh theo kịp tiến độ; hoạt động đưa ra phải rõ ràng, rành mạch để học sinh nghe được, hiểu được chứ không hối thúc các em. Các thầy cô cũng cần đọc được tên học sinh rõ ràng, thường xuyên khen ngợi, động viên, nói lời tích cực.
Trường hợp mất kết nối quá lâu, thầy cô phải có phương án dự phòng như lập sẵn nhóm Zalo với phụ huynh để có thể gọi video call hoặc thông báo nhằm trấn an.
Ngoài giờ lên lớp, thầy cô gọi điện trao đổi với học sinh, phụ huynh, động viên nhắc nhở, yêu cầu phụ huynh hỗ trợ, thông qua các kênh bổ trợ để gửi video bài giảng, bài tập, thông điệp cần thiết. Chẳng hạn, ngày mai học chữ lá thì từ hôm trước thầy cô có thể thông qua các kênh bổ trợ như nhóm Zalo để nhờ phụ huynh chuẩn bị cho con vài cái lá làm minh họa. Khi chữ lá gần liền với hình ảnh rất thật trong đời thường, các em sẽ nhớ lâu hơn.
Cuối cùng, thầy Cường nhắc nhở khi học trực tuyến, học sinh thường cảm thấy cô đơn nếu bị mất kết nối, lo lắng khi không hiểu bài, bất an khi không làm đúng yêu cầu và bỡ ngỡ khi sử dụng công nghệ. Vì vậy, giáo viên phải trở thành bạn cùng học, cùng chơi trong mọi hoạt động của học sinh.
"Chúng ta không kết nối trực tiếp với học sinh nhưng có cơ hội tương tác với các con qua công nghệ. Thầy cô hãy nghĩ đến các con để sử dụng công nghệ sáng tạo nhằm giải quyết vấn đề thực tiễn", thầy Cường nhấn mạnh.