"Em là Phạm Việt Dũng, sinh viên lớp Sư phạm Vật lý dạy bằng tiếng Anh. Tốt nghiệp cùng các bạn K66, sinh năm 1998, nhưng em sinh năm 1990. Bất kỳ ai khi nghe điều này đều thấy lạ. Thực tế, Sư phạm Hà Nội là đại học thứ ba của em, sau trường Bách khoa Hà Nội và Công nghệ Nanyang Singapore", Dũng, một trong những thủ khoa đầu ra, phát biểu trong lễ bế giảng của Đại học Sư phạm Hà Nội sáng 11/7.
Đôi chút nghẹn ngào, Dũng dừng lại giây lát. Ở dưới hội trường, nhiều ánh mắt hướng về anh mong ngóng được nghe câu chuyện kỳ lạ. Một vài tân cử nhân lau nước mắt khi nghe người bạn hơn 8 tuổi cảm ơn gia đình, nhà trường, bạn bè.
Dũng sinh tại Thái Bình, năm 2 tuổi đã cùng gia đình lên Hà Nội sinh sống. Năm 2008, Dũng trúng tuyển ngành Điện điện tử của Đại học Bách khoa Hà Nội với số điểm 27,5, trong đó môn Vật lý đạt 10. Học ở Bách khoa hai năm, Dũng luôn ấp ủ giấc mơ du học. Anh tự tìm hiểu chương trình tuyển sinh của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore), trường top 2 châu Á và 13 thế giới (theo QS năm 2020). Vượt qua kỳ thi đầu vào khắc nghiệt và được học bổng hỗ trợ tài chính 80%, năm 2010 Dũng sang Singapore theo học ngành Vật lý và Vật lý ứng dụng.
Đặt chân tới Đại học Công nghệ Nanyang, Dũng choáng ngợp bởi cơ sở vật chất hiện đại của trường. Sau năm đầu bỡ ngỡ, anh bắt đầu tham gia nhiều hoạt động ở ngoài trường, đi nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người. Trong đầu Dũng có một câu hỏi "Tại sao đất nước của họ lại phát triển hơn quê hương của mình? Tại sao từ một làng chài nhỏ bé lại có thể vươn lên mạnh mẽ như vậy"?
Câu hỏi đó ám ảnh trong thời gian dài buộc Dũng dành thời gian tìm hiểu. Cuối cùng, anh có câu trả lời một phần rất lớn là nhờ giáo dục. Đơn cử như học Vật lý, trường học Việt Nam gần như dạy chay, học chay, không có bất kỳ thí nghiệm hay sản phẩm học tập nào, còn ở Singapore thì trái ngược hoàn toàn.
Có câu trả lời, Dũng còn bị dằn vặt hơn nữa vì không biết nên làm gì, liệu có thể giúp gì cho đất nước. Sau nhiều cuộc đấu tranh tư tưởng đến mất ngủ, Dũng quyết định dừng học tập ở Singapore để về nước học và làm giáo dục.
Quyết định được đưa ra khi chỉ còn một vài tháng là Dũng tốt nghiệp, có một công việc với mức lương khởi điểm 100 triệu đồng. Anh bảo mọi người có thể nói đó là suy nghĩ bồng bột của tuổi trẻ. Thực tế, nếu tiếp tục học và lấy bằng, Dũng phải làm việc ở Singapore thêm ít nhất hai năm theo chính sách học bổng. Anh không muốn mất thêm thời gian.
Về Việt Nam, Dũng vấp phải sự phản đối gay gắt từ gia đình. Hơn nửa năm, gần như ngày nào, anh cũng có những cuộc nói chuyện với bố mẹ về tương lai trong không khí căng thẳng. "Dù đã mất hai năm ở trường Bách khoa, mình lại quyết định bỏ thêm bốn năm ở Singapore nữa. Sáu năm chưa có nổi một tấm bằng đại học, chưa có công việc ổn định, mình hiểu vì sao bố mẹ phản ứng", Dũng chia sẻ.
Thời gian đầu về Việt Nam, Dũng nghĩ phải làm một công việc gì trước để trang trải cuộc sống, không phải xin tiền bố mẹ. Anh vào làm công ty công nghệ một thời gian ngắn rồi xin đi thực tập ở trường Phổ thông liên cấp Olympia Hà Nội. Nói chuyện với thầy cô của trường, được khuyên muốn làm sâu về giáo dục nên đi học để thấy cái nhìn tổng quan về giáo dục.
Anh quyết định ôn tập để thi vào Đại học Sư phạm Hà Nội - cái nôi giáo dục của cả nước, để xem mình học được gì, thấy được gì. Năm 2016, đăng ký dự thi khối A1 (Toán, Lý, Anh), Dũng đạt 24,5 điểm và trúng tuyển ngành Sư phạm Vật lý dạy bằng tiếng Anh.
Vào trường, anh có nhiều thuận lợi bởi 6 năm học đại học trong và ngoài nước đem lại cho anh kiến thức chuyên môn và vốn tiếng Anh khá. Dũng muốn giúp các bạn trong lớp nên mở lớp dạy thêm miễn phí. Tuần 2-3 buổi, anh dành thời gian chia sẻ với các bạn về cả tiếng Anh và Vật lý.
Trần Thị Thanh Hà, 22 tuổi, bạn học chung lớp với Dũng, chia sẻ đã học được rất nhiều từ vựng tiếng Anh chuyên ngành, cách thức đặt câu tiếng Anh trong Vật lý. Cũng chính nhờ được Dũng truyền động lực, từ một nữ sinh muốn bỏ học vào giữa năm nhất, Hà đã quyết tâm để rồi ra trường nhận danh hiệu Á khoa Vật lý, được đi du học ngắn hạn ở Hàn Quốc hay tham gia những kỳ thi quốc gia.
Ở lớp Hà, nhiều bạn cũng có cơ hội như vậy. "Có thể nói, những thành tích, cơ hội đó một phần lớn nhờ nền tảng, động lực anh Dũng mang lại", Hà nói.
Vì lớn tuổi hơn các bạn trong lớp, Dũng có phần mặc cảm. Nhưng điều anh mặc cảm hơn nữa là trong khi các bạn học ở Singapore đã ra trường lập nghiệp, thăng quan tiến chức, gia đình đầy đủ thì mình vẫn chỉ là sinh viên. Nhiều lúc, anh tự đặt câu hỏi liệu mình đã lựa chọn đúng hướng. "Những lúc đó, mình không dám tâm sự với ai vì sợ bố mẹ lo", Dũng nói. Anh tự dặn lòng phải quyết tâm vì không còn đường lùi.
Dũng đi dạy về STEM và dạy cho những bạn có nhu cầu học Toán, Vật lý bằng tiếng Anh để du học, tham gia một số dự án giáo dục, đào tạo giáo viên. Vì vậy, chi phí ăn ở, học tập Dũng đều tự lo được, thậm chí còn lo cho gia đình.
Kết thúc bốn năm ở trường Sư phạm, Dũng đạt điểm tổng kết 3.94/4 (tương đương 9,26/10), trở thành thủ khoa Vật lý và Á khoa toàn trường. Dũng bảo những gì học được không thể hiện ở bảng điểm. Đại học Sư phạm Hà Nội cho anh nhiều điều, đặc biệt là có cái nhìn tổng quan hơn về giáo dục Việt Nam.
Trong thời gian học, Dũng cũng sẵn sàng góp ý về chương trình dạy. Chẳng hạn, anh cho rằng cần có thêm những module dạy học để giúp sinh viên được thực hành nhiều hơn, biết hàn, lắp ráp, chế tạo thay vì chỉ giỏi lý thuyết như hiện nay bởi xu thế giáo dục STEM cần có sản phẩm học tập mà giáo viên cần có kỹ năng để hướng dẫn học sinh làm.
Chính vì trăn trở điều này, cách đây hơn hai năm, Dũng đã lập kênh Youtube mang tên Vui học STEM, biến một căn phòng ở nhà thành xưởng chế tạo để thực hiện các video dạy học. Anh tự lên ý tưởng, vẽ 3D, làm sản phẩm, quay, dựng và đăng tải. "Việt Nam rất ít người làm kênh khoa học nên mình muốn làm. Giáo viên, học sinh có thể học miễn phí hoàn toàn qua kênh này", Dũng nói.
Đến trường dự lễ bế giảng cùng con trai, ông Phạm Văn Long, 56 tuổi, xúc động, mắt ánh lên sự tự hào. "Trước đây, gia đình tôi đã rất thất vọng chuyện Dũng bỏ việc học tập và cơ hội làm việc ở Singapore. Mỗi lần nhắc đến chuyện đó, con lại tâm sự về những trăn trở của mình trong việc thay đổi tư duy, chất lượng giáo dục ở Việt Nam. Tôi đã dần tin và giờ rất tự hào về con", ông Long nói.
Dù hôm nay mới nhận bằng tốt nghiệp, Dũng đã nhận được lời mời làm giáo viên từ nhiều trường. Tuy nhiên, anh đã quyết định làm chuyên gia phát triển chương trình và đào tạo giáo viên cho hệ thống trường Vinschool. Anh cho rằng công việc này sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn hơn và có thể tạo đà để anh có những đóng góp thay đổi giáo dục Việt Nam trong tương lai.