Từ TP Quy Nhơn, con đường biển ĐT 639 các vùng biển Cát Tiến, Cát Hải, Cát Khánh, cảng cá Đề Gi như một cánh cung ôm trọn bờ biển dài khoảng 100 km. Đường rộng 20-22 m, với bốn làn xe, được tỉnh Bình Định đầu tư từ các nguồn vốn địa phương và trung ương từ 2019 đến nay, với định hướng phát triển du lịch dịch vụ về phía đông.
Lê Duy Lân, 32 tuổi, đang điều hành một khu du lịch ở đoạn đường Cát Tiến – Mỹ Thành cũng ngỡ ngàng trước sự đổi thay nhanh chóng về hạ tầng giao thông của quê hương. Lân kể, nhiều năm trước, bên bờ biển chỉ có con đường đất nhỏ với phương tiện chủ yếu là xe bò. Năm 2006, Tổng cục Du lịch đã đầu tư đường 40 tỷ đồng, rộng 3,5 m qua hai xã nghèo là Cát Hải và Cát Tiến để phục vụ cho tuyến du lịch Phương Mai núi Bà. Hạ tầng giao thông hạn chế, nên khi gia đình anh bỏ nghề làm gỗ xuất khẩu sang làm du lịch, không ít người hoài nghi.
Khi gia đình Lân kinh doanh mô hình du lịch, rất đông khách đến vào dịp lễ, nên thường xảy ra kẹt xe. Đầu năm nay tuyến đường biển đi ngang trước cổng resort của gia đình khánh thành, du khách có thể đi lại dễ dàng từ TP Quy Nhơn ra xã Cát Tiến, Lân nói hạ tầng được đầu tư "vượt ra ngoài mong đợi".
Với chiều dài bờ biển gần 2.000 km, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận chiếm đến gần 60% bờ biển cả nước. 14 tỉnh thành có nền kinh tế gắn chặt với biển và bờ biển, từ các lĩnh vực ngư nghiệp, logistics, du lịch...đến lọc hóa dầu (Bình Sơn), luyện thép, điện khí, điện gió...
Do đó, các tuyến đường biển đóng vai trò rất quan trọng trong kết nối giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế. Từ năm 2010, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch đường ven biển quốc gia, trong đó 14 tỉnh thành miền Trung có đường ven biển hơn 1.600 km, chiếm gần như trọn chiều dài bờ biển. Song do nguồn lực hạn chế, các tuyến đường ven biển miền Trung trước đây thường nhỏ hẹp, nhiều đoạn chưa được đầu tư, chỉ có những rừng dương và những cồn cát mênh mông heo hút, nhiều nơi cách nhau hai bên cửa biển, nhưng phải lụy đò...
Những năm gần đây, trong số các tỉnh thành miền Trung liên tục mở rộng, nâng cấp đường ven biển, Bình Định được đánh giá là địa phương tiêu biểu.
Ông Lưu Nhất Phong, Giám đốc Ban Quản lý đầu tư dự án giao thông Bình Định cho biết, từ tháng 11/2019, tỉnh đã đầu tư đường ven biển ĐT 639 với tổng chiều dài 115 km, tổng vốn 9.000 tỷ đồng. Đường ĐT 639 có 8 dự án thành phần dài 99 km, còn lại 16 km tận dụng quốc lộ 1D.
Hiện có 5 trong 8 đoạn đã hoàn thành hoặc đang thi công. Trong đó ba đoạn đã hoàn thành là Cát Tiến- Đề Gi, Đề Gi - Mỹ Thành, và Lại Giang - Thiện Chánh, với tổng chiều dài khoảng 40 km. Hai đoạn đang thi công là Cát Tiến - Diêm Vân; và đoạn nối từ Diêm Vân sang quốc lộ 19 đến quốc lộ 1D. Khi hoàn thành những đoạn còn lại, đường ven biển sẽ kết nối thông suốt hai tỉnh láng giềng là Quảng Ngãi và Phú Yên.
Những đoạn đường đã thông xe và thay đổi tích cực đời sống người dân ở các địa phương phía bắc TP Quy Nhơn. Trong đó, tiêu biểu là cầu Đề Gi với tổng vốn 250 tỷ đồng, dài 400m, cầu vượt biển thứ hai của Bình Định sau cầu Nhơn Hội.
Trước khi có cầu, người dân ở xã Mỹ Thành phía bắc cảng Đề Gi muốn qua xã Cát Khánh ở phía nam mất 40 phút đi đò. Nay đường đi rút ngắn chỉ còn vài phút. Con đường cũng tạo thuận lợi cho tuyến du lịch Đề Gi – Vũng Bồi, nơi đàn cá voi từng xuất hiện. Nhiều người dân nắm bắt thời cơ, mở hàng quán gần tuyến đường ven biển để đón khách du lịch.
Hiện giá đất một số xã ven tuyến đường tăng gấp 5 lần so với 8 năm trước (hiện có giảm theo bối cảnh ảm đạm của thị trường bất động sản). Đi cùng với đường biển, nhiều xã bãi ngang lên đời thành thị trấn, các bản quy hoạch của địa phương chú trọng phát triển đô thị ven tuyến đường này.
Doanh nghiệp cũng nắm bắt cơ hội từ tuyến đường biển. Sở Du lịch tỉnh Bình Định thống kê, đến nay đã có hơn 20 dự án du lịch được hình thành bên đường biển ĐT 639 với tổng vốn đầu tư đã thực hiện gần 8.000 tỷ đồng, trong đó 80% dự án được cấp chủ trương, cấp phép, khởi công, hoàn thành...song song với thời gian làm đường ven biển. Tiêu biểu như Maia Quy Nhơn Beach Resort, Trung Lương, Ban Mai, Cát Hải Bay, khu đô thị và du lịch biển An Quang...
Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định nói, tận dụng tuyến đường ven biển, Sở đã đầu tư, nâng chất lượng dịch vụ, tổ chức các giải thi đấu thể dục thể thao như bóng đá, bóng chuyền bãi biển; kêu gọi các nhà đầu tư lớn đầu tư các loại hình thể thao dọc tuyến Quy Nhơn - Nhơn Lý - Nhơn Hải - Cát Tiến - Cát Hải- Cát Khánh- Phù Mỹ - Hoài Nhơn- Cù Lao Xanh như: dù bay, dù lượn, lặn biển, lướt sóng, lướt ván, đi motor nước, đi bộ dưới biển, chèo thuyền Kayak, tàu đáy kính ngắm san hô, nhà phao trên biển.
Theo Bí thư Bình Định Hồ Quốc Dũng, đường ven biển xuyên suốt từ thị xã Hoài Nhơn ở phía bắc (giáp Quảng Ngãi) đến TP Quy Nhơn là ước vọng từ lâu của người Bình Định, phá thế độc đạo của quốc lộ 1. Ở phía nam, đường ven biển nối với đường biển Quy Nhơn - Sông Cầu (quốc lộ 1D) để đến Phú Yên. Sau khi có đường ven biển, việc thu hút đầu tư vào Quy Nhơn và Bình Định của tỉnh trở nên thuận lợi, mạnh mẽ hơn.
Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đã xác định đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông hiện đại là một trong ba đột phá của tỉnh. Hạ tầng giao thông có tính chất quan trọng, đi trước, mở đường. Do đó thời gian qua tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng và đưa vào khai thác. Việc đầu tư đường biển sẽ tạo cú hích để phát triển du lịch, dịch vụ về phía đông.
Tại Phú Yên, tỉnh này đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hơn 95 trong tổng số hơn 132 km đường biển, dự kiến sẽ huy động các nguồn lực đầu tư thêm 37 km còn lại.
Dọc tuyến đường biển, tỉnh Phú Yên đã đầu tư nhiều dự án hạ tầng như: sân bay Tuy Hòa, hiện đã đạt được trên 700.000 hành khách một năm và đang triển khai nâng cấp công suất lên ba triệu hành khách mỗi năm, trở thành sân bay quốc tế sau năm 2030. Cảng Vũng Rô cũng được đầu tư để tiếp nhận tàu đến 10.000 tấn, khai thác hàng hóa 2-2,5 triệu tấn một năm và đang triển khai xây dựng khu bến Bãi Gốc nhằm phục vụ Khu kinh tế phía nam của tỉnh. Cùng với đó là các cảng cá tạo hạ tầng cho ngành thủy sản như cảng cá Tiên Châu, Cảng cá Đông Tác, cảng cá Phú Lạc...
Địa phương còn phát triển các khu du lịch ven biển gắn với danh lam thắng cảnh như: Mũi Điện, Đầm Ô Loan, gành Đá Đĩa, Vịnh Xuân Đài... và các trung tâm đô thị ven biển, resort. Ngoài ra, tỉnh còn đầu tư công viên ven biển thành phố Tuy Hòa với chi phí đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng. Các dự án đầu tư đã mang lại hiệu quả kép cho người dân lẫn du khách.
Ông Lê Tấn Hổ, Phó chủ tịch tỉnh Phú Yên cho biết, trong điều kiện ngân sách tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, không đủ nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến, tỉnh Phú Yên đã tập trung nguồn lực bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh, xin Trung ương hỗ trợ và tích cực xúc tiến vay vốn ODA để đầu tư hoàn chỉnh toàn tuyến với kinh phí khoảng 7.600 tỷ đồng.
Dự kiến khi đầu tư hoàn thành toàn tuyến sẽ hình thành quỹ đất khoảng 4.000 ha phát triển đô thị, thương mại dịch vụ, đặc biệt là du lịch, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng để tỉnh tiếp tục đầu tư hoàn thiện đoạn tuyến còn lại của tuyến đường.
"Đây là dự án lớn của tỉnh, tạo cơ chế đột phá về phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, tạo ra nguồn thu ngân sách với việc làm ổn định cho người dân, làm thay đổi rõ nét bộ mặt, vị thế của tỉnh trong khu vực và cả nước", ông Hổ nói.
Không chỉ Bình Định, Phú Yên nhiều tỉnh miền Trung cũng xem đầu tư đường ven biển là cánh cửa để mở ra dư địa phát triển phía Đông. Bình Thuận hồi đầu năm nay đã khánh thành tuyến đường ven biển TP Phan Thiết đi mũi Kê Gà vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, và sẽ đầu tư tuyến đường ven biển dài 80 km kết nối từ Kê Gà đến Mũi Né - Hòa Thắng trong giai đoạn sắp tới. Quảng Ngãi đang thi công hoàn thiện đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh...
Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, với tuyến đường ven biển, nếu khai thác tốt quỹ đất, các địa phương sẽ đủ nguồn lực để làm các công trình hạ tầng chiến lược, tạo động lực phát triển kinh tế. Riêng tỉnh Bình Định, ông cho rằng các 5 trụ cột kinh tế của tỉnh đều xoay quanh biển, nên đường ven biển sẽ là không gian kinh tế chính của tỉnh trong tương lai.
Tại hội nghị phát triển miền Trung hồi đầu năm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói, miền Trung đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển với gần 2.000 km bờ biển (chiếm 60% bờ biển cả nước), có 11 khu kinh tế ven biển (chiếm hơn 60% của cả nước); cửa ngõ ra biển cho các tỉnh Tây Nguyên, kết nối Hành lang Kinh tế Đông - Tây với tuyến đường hàng hải quốc tế. Song hạ tầng giao thông ở vùng còn chưa đồng bộ.
Thủ tướng cho rằng các địa phương cần chú trọng hơn nữa cho đầu tư hạ tầng, trong đó nêu bật tầm quan trọng của đường ven biển."Nâng cấp, mở rộng tuyến đường ven biển là hết sức cần thiết để khai thác hiệu quả tài nguyên biển và vùng ven biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh có biển, nâng cao đời sống người dân", Thủ tướng nói.
Phạm Linh - Bùi Toàn