"Tôi mất một năm mới tìm được việc mới ở tuổi 37, sau khi nộp 100 CV, phỏng vấn 10 công ty và chấp nhận mức lương thấp hơn, vị trí thấp hơn.
Trước độ tuổi này, một khi tôi đi phỏng vấn là sẽ đậu, đa số trường hợp là tôi chọn công ty chứ không phải công ty chọn tôi.
Trước đây, mỗi lần nhảy việc thì rất nhanh có công việc mới. Thậm chí có lúc không có nổi một khoảng thời gian nghỉ ngắn hạn mỗi lần nhảy việc.
Còn bây giờ, ở độ tuổi U45, tôi thậm chí còn không tìm thấy quảng cáo tuyển dụng nào phù hợp với mình. Thế nên tôi chuẩn bị phương án nếu thất nghiệp sẽ dạy học, tư vấn hoặc làm vườn.
Độc giả nickname Tùng Xèng chia sẻ về trường hợp của bản thân như trên, sau trường hợp nữ thạc sĩ 40 tuổi rơi vào cú sốc sau khi mất việc lương 60 triệu đồng. Bài viết trước tác giả kể về cô bạn có bằng thạc sĩ, thông thạo hai ngoại ngữ nhưng cả năm không xin được việc ưng ý.
Bài viết nhận được nhiều quan tâm của độc giả VnExpress. Độc giả Smile nói: "Tre già măng mọc, có thu nhập thụ động làm phiên dịch vẫn còn may mắn, sau đó tiết kiệm một chút vẫn sống được.
Thật là 'tình hình' cho mấy bạn trẻ mới 22-23 tuổi thất nghiệp nhiều, chưa lấy lại vốn mấy năm đèn sách thì lao động lớn tuổi khó tìm chỗ tốt là bình thường.
Bây giờ trên 30 tuổi đi xin việc đã chê già, nói gì trên 40 tuổi là quá già. Thị trường lao động bây giờ một là chấp nhận làm lương thấp chỗ cũ hai là làm freelancer thôi".
Độc giả nickname honglamvnn bình luận: "Người 40 tuổi theo quan điểm xưa là tuổi đẹp nhất, sung sức nhất của sự nghiệp nhưng ngày nay có thể nói là hoàng hôn của sự nghiệp. Độ tuổi này sẽ cho chúng ta hiểu ý nghĩa của câu "sai một ly đi một dặm" là như thế nào.
Bạn của tác giả học nhiều, bằng cấp nhiều nhưng còn thiếu nhiều vốn sống, chưa hiểu sự đời. Giờ này còn chưa chịu nhận việc lương thấp, chưa có đầu tư, chưa có gia đình thì có lẽ mọi việc cũng an bài rồi".
Độc giả N.A.Phi với lời khuyên cụ thể: "Theo tôi, với tuổi tác + kiến thức + bằng cấp + năm kinh nghiệm của cô nữ thạc sĩ này, khả năng có việc làm khi và chỉ khi:
(1) Tập trung tìm những công việc quản lý từ cấp bậc trưởng phòng trở lên.
(2) Môi trường có sử dụng nhiều và thường xuyên ngoại ngữ (nhiều công ty ở Việt Nam nhưng vẫn dùng ngoại ngữ hàng ngày).
(3) Thu nhập mong đợi ít nhất 80 triệu/ tháng.
(4) Cuối cùng nhưng rất quan trọng, trong giai đoạn kinh tế khó khăn như hiện tại + kinh nghiệm làm việc trong nước còn hạn chế, nên cần ưu tiên cho công việc thay vì yêu cầu hay mong đợi công việc và cuộc sống cân bằng.