Tối ngày 1-2 (tức ngày mùng 4 Tết Ất Tỵ), cô bạn của tôi hẹn đến nhà chơi. Đã mấy năm không gặp nhau nên chúng tôi hàn huyên, tâm sự mấy tiếng đồng hồ. Chủ đề mà chúng tôi nói nhiều nhất đó là xin việc. Cô bạn tôi sinh năm 1980, 45 tuổi không còn trẻ nhưng từ sau khi nghỉ việc ở công ty cũ từ một năm trước đến nay vẫn chưa xin được việc mới.
Bạn tôi học đại học tại Việt Nam, sau đó học thạc sĩ tại nước ngoài, thông thạo tiếng Trung Quốc và tiếng Anh. Bạn có kinh nghiệm làm việc mấy năm cho một công ty tại nước ngoài. Nhiều năm mải phấn đấu học tập hết bằng nọ đến bằng kia, đi học rồi đi làm ở nước ngoài nên bạn chưa kết hôn. Vì hoàn cảnh gia đình neo người, anh trai của bạn kết hôn và định cư ở nước ngoài, chỉ có bố mẹ ở Việt Nam nên năm 2022 bạn nghỉ việc ở nước ngoài để về Hà Nội xin việc.
Sau khi về nước, bạn tiếp tục làm việc ở bộ phận kinh doanh cho một công ty nước ngoài nhưng có Văn phòng đại diện ở Hà Nội với mức lương 60.000.000 đồng một tháng. Thời gian đầu, công ty kinh doanh khá tốt nên không có vấn đề gì xảy ra. Đến đầu năm 2024, công việc kinh doanh kém đi, đơn hàng ít đi, bạn tôi thường phải tranh luận gay gắt với Giám đốc công ty về phương án kinh doanh. Vì mâu thuẫn với sếp nên sếp đã cho bạn nghỉ việc.
Trong thời gian về Hà Nội làm việc, ban đầu, khi xem thông báo tuyển dụng của một số công ty, bạn tự tin nộp hồ sơ đi phỏng vấn. Bạn nghĩ rằng mình có nhiều lợi thế như tốt nghiệp bằng thạc sĩ, thông thạo hai ngoại ngữ, có kinh nghiệm làm cho các công ty nước ngoài thì sẽ xin được việc. Tuy nhiên, thực tế khi bạn tham gia thi tuyển, bạn chỉ đỗ được ở vòng một làm bài thi chuyên môn nghiệp vụ, đến vòng hai phỏng vấn là bạn bị trượt. Người phỏng vấn nói đã chọn được người làm ở vị trí bạn thi tuyển rồi. Nhưng sau đó hai ngày, bạn vẫn thấy công ty đó thông báo tuyển dụng đúng vị trí mà bạn đã từng thi tuyển. Nghĩa là, họ chưa hề tuyển dụng được người làm, họ vẫn cần người nhưng họ không tuyển bạn. Bạn tôi suy nghĩ mãi xem lý do gì mà nhà tuyển dụng không chọn bạn?
Bạn đã tự phân tích các nguyên nhân và nghĩ mãi chỉ có một lý do khả quan nhất đó là vì bạn đã ở độ tuổi ngoài 40, không đủ năng động, nhiệt huyết để làm việc hoặc Nhà tuyển dụng không thể trả mức lương cao. Nhà tuyển dụng thích chọn ứng viên trẻ tuổi hơn. Bạn tâm sự rằng suốt một năm qua, bạn đi nộp rất nhiều hồ sơ xin việc nhưng nơi thì không nhận, nơi nhận nhưng trả mức lương quá thấp, chưa nổi 30.000.000 đồng, chưa bằng một nửa mức lương cũ của bạn nên bạn vẫn ở nhà.
Hiện bạn sống bằng tiền cho thuê căn hộ chung cư của bạn tự mua mỗi tháng được 15.000.000 đồng, còn bạn chuyển về sống cùng nhà với bố mẹ. Ngoài ra, thi thoảng bạn nhận đi làm phiên dịch cho công ty ngoài cũng kiếm thêm được chút tiền đủ chi tiêu sinh hoạt tiết kiệm cho mình bạn. Bạn rất lo lắng trong tương lai nếu kết hôn, sinh con mà chưa có công việc ổn định thì sẽ sống ra sao.
Bạn quyết tâm trong năm 2025 sẽ xin việc đi làm, dù mức thu nhập chỉ ở khoảng 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng một tháng, chỉ bằng một phần ba mức lương cũ của bạn. Bạn tính rằng, cứ đi làm tạm một công việc nào đó lương thấp để có thu nhập ổn định rồi kết hôn, sinh con.
Tôi chia sẻ cùng cô bạn rằng, hiện tại nhiều công ty chỉ chấp nhận tuyển người có tuổi khi họ đã làm ở nhiều vị trí quan trọng hoặc đạt đến chức quản lý trở lên. Nếu không, họ sẵn sàng tuyển người trẻ tuổi về đào tạo đồng thời cũng dễ trả lương hơn vì người trẻ không yêu cầu mức lương khởi điểm cao như người ở tuổi trung niên.
Bạn tôi đã ở độ tuổi trung niên, đã từng làm việc ở những công ty nước ngoài với mức lương quá cao, công ty tư nhân ở Việt Nam không có khả năng trả mức lương tương ứng. Tôi khuyên bạn năm nay nên chấp nhận làm việc tại một công ty nhỏ với mức lương thấp, hoàn thành tốt công việc để nhận mức lương cao hơn trong thời gian tới. Bởi nếu cứ ở nhà chẳng biết có thể xin được việc tiếp hay không. Trước mắt cứ phải ổn định được công việc rồi còn lo chuyện kết hôn, sinh con.
Trường hợp cả năm không xin được việc làm như bạn tôi không phải là hiếm. Một số người quen của tôi vì lý do cá nhân xin nghỉ việc ở độ tuổi 35-40, đến khi muốn xin việc làm mới phải mất 1-2 năm mới xin được việc, thậm chí có người 2 năm không thể xin được việc làm nào tạm ưng ý.
Thực tế chứng minh thị trường lao động hiện nay ngày càng khắc nghiệt, sự cạnh tranh vô cùng lớn. Tôi theo dõi nhóm tuyển dụng giảng viên part-time/Full-time trên Facebook mấy năm nay thì đọc được rất nhiều thông tin của các ứng viên có nhu cầu tìm việc làm toàn bộ thời gian và bán thời gian. Trong đó, có nhiều người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, thậm chí tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài, có kinh nghiệm giảng dạy đại học, cao đẳng từ 10-15 năm vẫn phải vào mạng xã hội tìm việc làm. Điều này chứng minh rằng nhiều người có trình độ chuyên môn cao vẫn chưa xin được việc làm hoặc là việc làm hiện tại của họ chưa phù hợp hoặc thu nhập không đủ sống nên họ vẫn phải tìm việc làm thêm hoặc xin chuyển sang việc làm mới.
Mỗi năm có rất nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, việc làm ít nhưng người lao động lại đông, nhiều sinh viên ra trường không xin được việc làm đúng chuyên ngành đã học, phải đi làm trái ngành. Huống hồ là những người đã ở độ tuổi trung niên. Các công ty tư nhân thường sẽ từ chối. Nếu được nhận cũng là các công việc trả mức lương khá thấp. Thậm chí, so với những người trẻ tuổi, họ còn gặp rào cản lớn hơn nhiều về tuổi tác, sức khỏe, những yêu cầu khắt khe từ doanh nghiệp tuyển dụng, sự năng động, nhanh nhẹn không theo kịp lớp trẻ hiện đại. Nhưng thực tế, rất nhiều người lớn tuổi lại có lợi thế về kiến thức, kinh nghiệm và các mối quan hệ xã hội, có đủ năng lực để tiếp tục làm việc, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Vì thế, họ cần được tạo điều kiện thuận lợi để làm những công việc phù hợp.
Tôi nghĩ rằng trong lúc chờ đợi tìm được công việc ưng ý, bạn hãy cứ thử sức làm công việc ở lĩnh vực mới để có thu nhập trang trải cuộc sống Hy vọng năm 2025, nhiều người đang thất nghiệp sẽ tìm được việc làm mới phù hợp với năng lực của bản thân và trình độ chuyên môn đã được đào tạo ở trường đại học.
Vũ Thị Minh Huyền