Tôi có một thất bại về mặt điểm số lúc nhỏ. Tôi vào lớp sáu với điểm tổng kết trung bình học kỳ một trên 8.0, tức là đủ điểm để xếp loại giỏi. Nhưng tôi chỉ được xếp loại tiên tiến vì bị "khống chế", khi điểm môn trung bình môn may thêu của tôi dưới 6,5. Thật ra tôi cũng kiếm được sáu điểm, không thể gọi là rớt được.
Sổ liên lạc về tới nhà và ba tôi nổi trận giận dữ. Ông giận... mẹ tôi, vì bà không sâu sát để giúp đỡ tôi trong môn học thuộc loại "nữ công gia chánh". Học kỳ hai, mẹ tôi bắt tôi thực tập thêu thùa thường xuyên, có lúc thêu luôn mấy bài tập về nhà cho tôi, nhờ vậy tôi mới thoát cái nạn "khống chế" điểm.
Khi lớn lên tôi cũng có thể thay cúc áo, khâu lại cái lai quần sút chỉ, không cần đến thêu thùa. Bây giờ may mặc quần áo được công nghiệp hóa, chất lượng cao, cả chục năm rồi áo quần của tôi chả có cái nào sút chỉ hay sút nút.
Đấy là một môn học có chút tầm quan trọng trong đời sống hằng ngày. Những môn khác như học đàn, học hát, học vẽ, học đóng kịch thì tầm quan trọng đó gần như không có.
Tuy vậy, các em học sinh cần được học những môn như vậy. Đó là các môn nghệ thuật, một phần của cuộc sống. Sẽ có rất ít trẻ em sau này lớn lên trở thành nhạc sĩ, ca sĩ, họa sĩ hay diễn viên.
Nhưng các em cần phải được giới thiệu tới những môn này để có thể thưởng thức và quan trọng hơn là có thể tìm được một thú vui lành mạnh trong cuộc sống.
Khi nghe chuyện một cô giáo bị kiểm điểm vì đánh rớt môn hát của một số em học sinh trong 800 học sinh của trường, tôi không khỏi nhớ về môn may vá của mình ngày trước. Nếu tôi mà phải học hát và đáp ứng các yêu cầu của Bộ Giáo dục đưa ra thì chắc tôi cũng đã phải rớt môn hát và bị ở lại lớp hay phải đi học hè môn hát.
Tệ hại hơn, là vì sao cả trường 800 em mà học sinh nào cũng phải học hát? Hát hò là niềm vui với nhiều người, nhưng nó là nỗi sợ hãi của một số người. 800 em học sinh mà ai cũng phải học hát hết, thì bảo sao mà chả có vài chục em không đạt yêu cầu.
Thật ra thì nếu như 10% các em học sinh không thích hát và không chịu hát trước đám đông thì cũng không có gì kỳ lạ, cô giáo chấm điểm như thế là rất công bằng.
Vấn đề không nằm ở cô giáo. Nó nằm ở việc dạy các môn năng khiếu nghệ thuật trong trường học đã và đang sai hướng.
Mỗi học sinh có một năng khiếu khác nhau, thậm chí chả có chút năng khiếu nghệ thuật nào cả, mà tôi là một ví dụ tiêu biểu. Việc học năng khiếu trong nhà trường thì nên giống như việc học năng khiếu ở các lớp năng khiếu được tổ chức ngoài trường.
Ai cũng biết rằng, bạn có thể đưa con tới các lớp năng khiếu về đàn, hát, vẽ, múa, võ, thể thao, bơi lội. Các em sẽ được dạy cách thực hành các môn nghệ thuật hay thể thao này.
Mục đích là các em sẽ biết hát, biết đàn, biết bơi, hay biết vẽ. Các bậc cha mẹ đều sẽ nhìn theo khả năng của con mình mà chọn lớp cho con, nếu chọn sai và con chả học được gì thì thôi, chọn cái khác. Không có ai chấm điểm, chẳng có ai bắt học lại, và cũng không có ai bị ở lại lớp.
Các trường học vì vậy nên có vài lớp năng khiếu nghệ thuật khác nhau và các em nên được tự chọn, chỉ yêu cầu là mỗi em phải chọn một lớp. Lúc học thì chỉ yêu cầu các em có chút cố gắng mà thôi. Em nào học được thì tốt, không học được thì thôi, chả việc gì phải đánh giá ai cả.
Sau rất nhiều năm thì tôi cũng biết năng khiếu của mình nằm ở đâu. Tôi thuộc dạng thông minh ngôn ngữ, và việc đọc viết mang đến cho tôi nhiều niềm vui. Cũng may là ngày xưa trường không có giáo viên dạy hát, nên tôi mới lên lớp mà không vấn đề gì, nghĩ lại vẫn còn hú vía.
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bàitại đây.