Thanh Tiến - con trai nghệ sĩ - cho biết cha anh qua đời lúc 10h15 phút tại nhà riêng. Hơn 10 năm qua, ông bị liệt nửa người sau một lần đột quỵ. Những ngày gần đây, ông yếu hơn, không ăn được gì, chỉ cố gắng cầm sức. Sáng nay, khi Thanh Tiến đưa con đi học, mẹ anh - nghệ sĩ Trang Bích Liễu - hốt hoảng báo thấy người ông lạnh, tím dần. Sau khi gia đình mời bác sĩ đến nhà, họ được thông báo nghệ sĩ đã mất. Tang lễ dự kiến tổ chức tại nhà riêng ở quận Bình Tân.

Nghệ sĩ Thanh Tú thời đỉnh cao trên sân khấu cải lương. Ảnh: Thanh Tiến
Nhiều đồng nghiệp, khán giả xót thương khi hay tin dữ. Từng đến thăm nhà cố nghệ sĩ năm 2020, "kỳ nữ" Kim Cương nói tâm trí bà vẫn luôn khắc ghi ánh mắt biểu cảm, lối diễn chuẩn mực của chàng Nhuận Điền một thời. Bà thương ông những năm cuối đời lao đao vì bệnh tật, nhưng khi nhắc đến chuyện nghề, nhiệt huyết xưa vẫn không giảm. Khán giả Mỹ Phượng nhắn nhủ: "Tiễn biệt Thanh Tú. Anh đã sum họp với nghệ sĩ Thanh Sang, từ nay Trần Minh đã gặp Nhuận Điền rồi".
Thanh Tú, Thanh Sang diễn trích đoạn "Bên cầu dệt lụa" (Thế Châu) trong liveshow Thanh Sang năm 2007 tại TP HCM. Video: Cải lương Việt Nam
Nghệ sĩ Thanh Tú tên thật là Mai Văn Tú, sinh năm 1939, học trò của nhạc sĩ Út Trong. Ông gia nhập đoàn cải lương Thanh Minh Thanh Nga năm 1961, trở thành ngôi sao nhờ giọng ca truyền cảm, dáng vóc điển trai, vạm vỡ. Ông từng đóng cặp với Thanh Nga trong các vở tuồng Nửa đời hương phấn, Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình, Con gái chị Hằng, Đoạn tuyệt, Phấn bụi phù hoa... Năm 1963, ông đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm qua vai Lưu Kiến Xuân trong tuồng Khói sóng Tiêu Tương. Vai diễn được nhớ đến nhiều nhất của ông là Nhuận Điền, nghĩa huynh hào hiệp của Trần Minh trong tuồng Bên cầu dệt lụa (soạn giả Thế Châu), đóng cùng cố nghệ sĩ Thanh Sang.

Nghệ sĩ Thanh Tú, Trang Bích Liễu thuở đầu gắn bó. Ảnh: Thanh Tiến
Ngoài đời, ông và nghệ sĩ Trang Bích Liễu có mối tình thủy chung. Họ đến với nhau khi Thanh Tú đã có ba đời vợ. Sau năm 1975, họ rời đoàn Dạ Lý Hương, lập gánh hát riêng và được khán giả miền Tây đón nhận. Cải lương thất thế, họ xa sân khấu, mở quán nhậu mang tên Bên cầu dệt lụa ở bến xe miền Tây. Được một thời gian, cả hai lao lực vì thức đêm trông coi quán, đổ bệnh, khan tiếng do phải uống bia cùng khán giả. Quán dần lao đao vì mất khách, ông đành đóng cửa tiệm.
Kinh doanh thua lỗ, họ phải bán căn nhà mẹ bà để lại. Cũng lúc đó, ông lên huyết áp, lâm bệnh rồi nằm liệt giường. Qua nhiều biến cố, Trang Bích Liễu từng nói vợ chồng bà vẫn luôn gắn bó bởi sự trân trọng dành cho nhau từ lúc thanh xuân đến khi bạc đầu.
Mai Nhật