Tổ ấm vợ chồng Thanh Tú - Trang Bích Liễu trong một con hẻm ở quận Bình Tân (TP HCM). Nghe có khách tới thăm, nữ nghệ sĩ một thời vội vào phòng ngủ, đỡ chồng dậy. Từ sáng, bà giúp ông thay chiếc sơ mi trắng tinh tươm, pha cho ông món uống yêu thích - cà phê sữa. Bà vẫn đều đặn làm công việc ấy hàng ngày suốt 12 năm qua, từ khi ông bị liệt nửa người sau một cơn đột quỵ.
Ở tuổi 81, gương mặt Thanh Tú không còn nét của chàng Nhuận Điền khí phách, hào sảng ngày nào trong tuồng Bên cầu dệt lụa. Năm 2008, ông bị tai biến sau thời gian dài lao tâm khổ tứ trong chuyện kinh doanh. Từ đó, ông khó di chuyển, mỗi lần đi lại phải có người dìu. Căn bệnh ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, ông chỉ có thể ê a, làm dấu. Trang Bích Liễu trở thành "phát ngôn viên" thay chồng bởi thường chỉ có bà mới hiểu ý ông. Đến bữa cơm, bà đút từng muỗng cho ông ăn. Đêm đến, bà nằm cạnh chồng, hễ thấy ra hiệu là bà biết ý, dìu ông vào nhà vệ sinh.
"Trông anh ấy to cao vậy chứ mỗi bữa chỉ ăn được một chén cơm là no. Thỉnh thoảng, tay anh bị bầm tím vì hay bể mạch máu. Mỗi khi trái gió trở trời, người anh cứ đau nhức, phải có vợ kề bên để xoa dầu, đấm bóp", Trang Bích Liễu nói, nhìn chồng trìu mến. Dù liệt nửa người, Thanh Tú vẫn minh mẫn, nhoẻn miệng cười khi nghe vợ trêu.
Kể những nỗi vất vả khi chăm chồng, giọng Trang Bích Liễu nhẹ tênh bởi đã xem điều đó như định mệnh trong cuộc hôn nhân gần 40 năm. Thỉnh thoảng, bà nhận lời đi hát vì nhớ nghề. Vừa biểu diễn, bà vừa lo ngay ngáy, sợ ở nhà chồng buồn, dù chính ông cũng động viên vợ nên quay lại với sân khấu. Vợ chồng bà sống cùng con trai độc nhất, cô con dâu và hai cháu nội. Con trai làm hướng dẫn viên du lịch, thỉnh thoảng lại vắng nhà, con dâu trông coi tiệm gội đầu nên đa phần việc chăm ông do bà phụ trách. Lâu lâu, bà lần giở cuốn album cũ ôn kỷ niệm thời mới quen, ông lại chảy nước mắt.
Thanh Tú vẫn nhớ như in những sóng gió đến với vợ chồng ông từ buổi đầu gặp gỡ. Họ yêu nhau khi ông đã qua ba lần đổ vỡ. Trước đó, Thanh Tú đã là ngôi sao của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga thập niên 1960. Sau khi nghệ sĩ Thành Được rời đoàn để lập gánh cùng Út Bạch Lan, các vai kép đều giao lại cho Thanh Tú. Vóc dáng lực lưỡng, khuôn mặt chữ điền cùng chất giọng truyền cảm, ông nhanh chóng trở thành kép chánh, sánh vai nhiều tên tuổi hàng đầu đương thời. Ông cùng cố nghệ sĩ Thanh Nga diễn đôi trong các tuồng Nửa đời hương phấn, Đôi mắt người xưa, Ngã rẽ tâm tình... Sau vở Khói sóng Tiêu Tương, ông được các đoàn làm phim để mắt đến, rồi được bầu Xuân mời về đoàn Dạ Lý Hương khi đôi Hùng Cường - Bạch Tuyết rời đi.
Tại đây, ông gặp Trang Bích Liễu - khi ấy vừa tốt nghiệp trường Quốc gia Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP HCM). Khuôn mặt khả ái cùng đôi mắt to tròn, đượm buồn, bà được giới ký giả ví như "cô đào trẻ của đợt sóng mới". Các vở bà đóng đều được yêu thích bởi không khí, lời thoại đậm chất tươi trẻ, trái với hơi hướng bi lụy của xu hướng tuồng thời ấy. Chuyên đóng các tuồng xã hội, Trang Bích Liễu tạo nên nhiều cơn sốt thời trang. Bộ đồ nào bà mặc khi diễn đều được khán giả nữ săn đón. Sánh đôi trên sân khấu, Trang Bích Liễu, Thanh Tú trở thành cặp nghệ sĩ ăn khách nhất nhì của Dạ Lý Hương.
Khi chuyện tình của họ vừa chớm nở, gia đình Trang Bích Liễu phản đối kịch liệt. Mẹ bà thương con gái mới 23 tuổi, chưa trải sự đời nhưng yêu phải người đàn ông có ba đời vợ, ba đứa con riêng. Mỗi lần Trang Bích Liễu đi diễn, mẹ bà đều sai em bà chở đi hòng ngăn họ gặp gỡ. Có lần, bà lén đi xem phim cùng ông tại rạp Công Nhân. Về nhà, mẹ Trang Bích Liễu biết được, rút roi đánh cả chị lẫn em. Mẹ bà hỏi: 'Giữa tao và thằng Voi (tên thân mật của Thanh Tú), mày chọn ai?" Bà rớt nước mắt, nói: "Không cho lấy anh Tú, con sẽ tự tử". Mẹ bà nghe vậy liền ngất xỉu vì tức giận. Gia đình khuyên ngăn, bà đành xin lỗi mẹ, hứa sẽ cắt đứt quan hệ với ông.
Mối tình vụng trộm vẫn diễn ra trong bí mật. Mỗi lần đi hát, họ không dám trò chuyện trong hậu trường, chỉ âm thầm chuyền tay nhau các mẩu thư. Yêu đương càng bị cản trở, Thanh Tú - Trang Bích Liễu càng mong sớm về chung một nhà. Năm 1981, bà quyết định nhờ vài người dì thưa chuyện với mẹ. Lần này, thấy cả hai thương nhau thật lòng, mẹ bà gật đầu. Bà đạp xe gần chục cây số để báo tin vui cho ông, vừa đi nước mắt vừa lăn dài trên má. Đám cưới được tổ chức một tháng sau đó.
Lấy nhau về, họ trải qua nhiều lần thất bại trong chuyện kinh doanh. Mê nghề làm bầu, cả hai lập gánh hát, rong ruổi khắp tỉnh miền Tây. Đầu thập niên 1990, nhiều gánh cải lương rơi vào bế tắc khi xu hướng xem băng đĩa nhạc dần lên ngôi, đoàn hát của vợ chồng Thanh Tú không là ngoại lệ. Vỡ nợ, họ trở về Sài Gòn khi trong túi còn không một đồng. Mẹ Trang Bích Liễu cho vợ chồng bà một khoảnh sân thượng, cắm túp lều ở nhờ. "Chúng tôi còn không đủ tiền để mua một manh chiếu. Nhờ ân nhân giúp đỡ, tặng 3.000 USD, chúng tôi mới mở quán ăn, làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng", Trang Bích Liễu kể.
Vợ chồng bà vun vén, mở quán bia vọng cổ, lấy tên Bên cầu dệt lụa gần bến xe miền Tây. Ngày ấy, hình thức vừa uống bia, vừa nghe cải lương còn mới lạ, quán nhậu của họ lập tức nổi tiếng, được khán giả đến ủng hộ. Được một thời gian, cả hai lao lực vì thức đêm trông coi quán, đổ bệnh, khan tiếng do phải uống bia cùng khán giả. Quán dần lao đao vì mất khách. Bất đắc dĩ, ông đành đóng cửa tiệm. Kinh doanh thua lỗ, họ phải bán căn nhà mẹ bà để lại. Cũng lúc đó, ông lên huyết áp, lâm bệnh rồi nằm liệt giường.
Qua nhiều biến cố, Trang Bích Liễu nói vợ chồng bà đến nay vẫn gắn bó bởi sự trân trọng dành cho nhau từ lúc thanh xuân đến khi bạc đầu. Giữa cuộc trò chuyện, bà ngưng lại khi Thanh Tú cất giọng "đòi vợ". "Anh ấy coi vậy mà còn nhõng nhẽo lắm, tối phải có tôi nằm cạnh để ôm mới ngủ được", Trang Bích Liễu nói, tay xoa xoa vào người chồng, vỗ nhẹ để ông yên lòng.
Mai Nhật