Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp thường trực Chính phủ về quản lý môi trường trong hoạt động nhập khẩu, sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Theo đó, Bộ trưởng Tài nguyên & Môi trường - Trần Hồng Hà là người chịu trách nhiệm chính trước Chính phủ, Thủ tướng trong rà soát, ngăn chặn việc nhập lậi phế liệu vào Việt Nam.
"Bộ Tài nguyên & Môi trường thanh tra toàn diện việc cấp phép nhập khẩu phế liệu thời gian qua, xứ lý nghiêm cán bộ có liên quan và thu hồi giấy phép các doanh nghiệp nếu phát hiện sai phạm", văn bản truyền ý kiến của Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Bộ này cũng cần rà soát lại toàn bộ giấy phép nhập khẩu phế liệu còn hạn ngạch. Không cấp mới giấy phép nhập khẩu phế liệu với hoạt động uỷ thác nhập khẩu, và chỉ cấp mới giấy phép cho các doanh nghiệp khi chứng minh được nhu cầu nhập, năng lực sử dụng phế liệu trong làm nguyên liệu sản xuất.
Bộ Tài nguyên cũng cần làm rõ nhu cầu sử dụng của từng loại phế liệu làm nguyên liệu sản xuất trong nước hiện nay, khả năng sử dụng các phế liệu có sẵn trong nước cho sản xuất, tác động tới môi trường từng loại phê liệu, cũng như tiêu chí, tiêu chuẩn nhập khẩu loại mặt hàng này.
Với Bộ Công an, Thủ tướng yêu cầu, cơ quan này chỉ đạo công an các địa phương, cảng biển và hải quan cung cấp danh sách để điều tra, làm rõ nguyên nhân các container phế liệu được vào Việt Nam mà không có người nhận, người vận chuyển. “Khẩn trương điều tra, truy tố một số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường do nhập phế liệu trái phép vào Việt Nam”, Thủ tướng nhấn manh.
Trong khi đó, Bộ Công Thương được giao rà soát quy định hiện hành, có giải pháp kiểm soát và hạn chế hoạt động tạm nhập tái xuất với phế liệu. Bộ Giao thông vận tải chủ trì với các địa phương tiêu huỷ, di dời các container phế liệu đang tồn đọng để trả lại không gian cho cảng biển. Bộ Quốc phòng huy động các lực lượng có trách nhiệm trong phòng ngừa, ngăn chặn từ xa việc nhập khẩu phế liệu trái phép vào Việt Nam.
Thống kê của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, 6 tháng đầu năm lượng rác, phế thải về TP HCM qua cảng này tăng mạnh với khoảng 8.000 container tồn đọng tại cảng. Một phần ba số đó đã nhập về trên 90 ngày nhưng vẫn chưa doanh nghiệp nào đến làm thủ tục thông quan. Đây là tình trạng đáng báo động khi lượng rác, phế liệu về Việt Nam tăng gấp nhiều lần so với năm trước đó.
Nguyễn Hoài