Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, từ tháng 2 đến tháng 5/2018, Công ty TNHH MTV H. Q. C. H. (huyện Cẩm Giàng, Hưng Yên) đứng tên trên vận đơn nhập khẩu 437 container phế liệu nhựa về cảng Cát Lái.
Tuy nhiên, khi cơ quan hải quan gửi công văn yêu cầu doanh nghiệp đến làm việc về số phế liệu nhập khẩu nêu trên, doanh nghiệp đã có công văn gửi cơ quan hải quan và hãng tàu từ chối nhận 437 container phế liệu nhựa nêu trên, với lý do người xuất hàng gửi nhầm cho doanh nghiệp.
Theo đại diện doanh nghiệp này, họ không ký hợp đồng mua lô hàng trên từ người xuất khẩu, do vậy các container hàng này không thuộc quyền sở hữu của công ty. Do đó, công ty yêu cầu đại lý hãng tàu thông báo cho người gửi và cơ quan hữu quan biết việc từ chối nhận hàng.
Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ xuất nhập khẩu ở Long An cũng từ chối nhận 255 container phế liệu nhựa nhập khẩu đang nằm tại cảng Cát Lái, mặc dù trên các vận đơn gửi hàng đều thể hiện người nhận là công ty này. Tuy nhiên, công ty cho rằng chứng từ nhận hàng không đúng nên lô hàng này không thuộc quyền sở hữu của họ.
Trên thực tế, tình trạng chối bỏ container hàng phế liệu diễn ra ngày càng tăng. Trao đổi với VnExpress, lãnh đạo Hải quan Cát Lái cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu về cảng nhưng không được cấp “Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất” nên đã từ chối nhận hàng. Hiện có hơn 10 doanh nghiệp gặp phải tình trạng này.
Báo cáo cũng cho thấy, tại cảng Cát Lái đang tồn khoảng 9.000 teus (tương đương 4.500 container) phế liệu giấy và nhựa, chiếm gần 20% sức chứa của cảng Cát Lái, gây ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động bốc xếp hàng hóa của cảng.
Hiện, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 phối hợp với các đơn vị liên quan phân loại, xử lý. Nếu phế liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng nhập khẩu sẽ bị buộc tái xuất.
Thi Hà