* Những vai diễn để đời của Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Sang
Trong số các vai diễn để đời của Thanh Sang, khán giả không thể không nhớ đến vai Trần Minh "khố chuối" trong tác phẩm kinh điển Bên cầu dệt lụa. Vào giai đoạn cải lương là món ăn tinh thần không thể thiếu của nhiều khán giả, Thanh Sang đã cùng các đồng nghiệp mang đến nhiều vở diễn hay, giàu giá trị nhân văn, đậm triết lý, nhân nghĩa, trong đó Trần Minh "khố chuối" là nhân vật tiêu biểu trong sự nghiệp ca, diễn của ông.
Trần Minh là anh học trò nghèo "rớt mùng tơi", nghèo đến nỗi không có bộ áo quần lành lặn để mặc nhưng chàng là con người hiếu học, nhân nghĩa, thông minh, đầy ý chí trong cuộc sống. Thập niên 1970, khi Thanh Sang đóng vở này cùng Thanh Nga, ông ngay lập tức chinh phục khán giả nhờ ngoại hình điển trai lẫn giọng ca đầy nội lực.
Các phân đoạn Trần Minh chăm sóc người mẹ bệnh tật, đối đáp nhân nghĩa ở đời với người anh em Nhuận Điền (Thanh Tú đóng), cảnh diễn tả ân tình với người đẹp Quỳnh Nga... được Thanh Sang nhập vai trọn vẹn. Gương mặt sáng ngời, chất phác, ngoại hình nho nhã, thư sinh cùng chất giọng trầm, điềm đạm của ông đã tạo nên một hình ảnh chuẩn mực cho nhân vật. Chỉ cần ông thốt lên "Mẹ ơi" hay "Quỳnh Nga...", xuống câu vọng cổ nhẹ nhàng rồi ngân vang nỗi niềm nhân tình thế thái trong câu hát với ánh mắt đượm buồn đủ làm rơi nước mắt người xem. Lối diễn tự nhiên, không lên gân của ông chạm vào trái tim khán giả, đồng thời khiến nhiều thế hệ nghệ sĩ sau này thấy khó khăn khi thể hiện lại hồn cốt của nhân vật Trần Minh.
Không chỉ với Trần Minh "khố chuối", tài năng diễn xuất của Thanh Sang còn được biến hóa qua nhiều dạng vai với tính cách, số phận đa dạng. Trong hơn 50 năm theo đuổi nghiệp cầm ca, ông cống hiến cho sân khấu miền Nam nhiều vai diễn kinh điển như Tạ Tốn (Cô gái Đồ Long), Long Hồ (Tuyệt tình ca), Trần Minh (Bên cầu dệt lụa), Thi Sách (Tiếng trống Mê Linh), Lê Hoàn trong Thái Hậu Dương Vân Nga...
Nhập vai nào, ông cũng đều trút trọn tâm hồn vào nhân vật. Năm 1964, chỉ sau bảy năm đi hát, ông đoạt huy chương vàng giải Thanh Tâm với vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long (đoàn Dạ Lý Hương). Là kép trẻ phải đóng vai lão - một người đàn ông bị mù - Thanh Sang vẫn tỏa sáng bằng diễn xuất hình thể lẫn giọng hát giàu nội lực. Vai diễn đưa ông thành tên tuổi hàng đầu của đoàn hát, được ông bầu ký hợp đồng, từ đó mua được nhà cho mẹ ở Phước Hải (Vũng Tàu).
Miệt mài, bền bỉ lăn lộn qua những thăng trầm của nghề, từ một chàng trai nghèo, bước chân vào làng nghệ thuật chỉ với niềm đam mê sân khấu cháy bỏng, dần dà, Thanh Sang được công nhận là nghệ sĩ thực thụ, thuộc "Thế hệ vàng" của làng cải lương. Bên những tên tuổi sáng chói thời ấy như nghệ sĩ Thanh Nga, Út Bạch Lan, Lệ Thủy, Minh Vương, Minh Phụng..., Thanh Sang có một chỗ đứng riêng biệt, không lẫn vào ai. Ông từng cùng cố nghệ sĩ Thanh Nga tạo thành đôi đào - kép lừng danh sân khấu một thời. Nhưng ông không kén vai diễn lẫn bạn diễn. Bên nghệ sĩ Phượng Liên, Lệ Thủy, Bạch Tuyết, Thanh Nguyệt, Thanh Kim Huệ, ông đều diễn xuất ăn ý, hài hòa.
Cuộc đời cơ cực, khốn khó từ nhỏ cùng năm tháng nhọc nhằn mưu sinh, vươn lên trong nghề hát tạo nên một Thanh Sang - Trần Minh "khố chuối".
Sinh năm 1943 tại vùng quê nghèo khó ở làng quê Phước Hải, Long Hải, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thanh Sang sớm bước vào đời nhọc nhằn khi cha ông mất sớm. Ý thức về gia cảnh, ông thay chị và mẹ gánh vác việc nặng nhọc trong nhà. Nghề đan lưới mướn cho dân chài là công việc đầu tiên của Nguyễn Văn Thu (tên thật của NSƯT Thanh Sang). Thời thanh niên, do gia đình sống gần một rạp cải lương, ông dần bị nghề hát quyến rũ. Ông lân la nghe các anh hậu đài ca nghêu ngao, rồi nghe giọng ca của đệ nhất danh ca Út Trà Ôn qua chiếc radio của ông bảo vệ rạp hát. Tình yêu cải lương, vọng cổ ngày càng lớn trong ông.
Theo chân hết đoàn hát này đến gánh hát khác, Thanh Sang đã nếm trải mọi cay đắng, tủi nhục của nghề. Có thời gian, ông chỉ đóng vai quân sĩ, làm công việc hậu đài để được sống gần sân khấu, để được có cơ hội học hỏi từ những người đi trước. Đói ăn, thiếu mặc nhưng ông vẫn không nề hà, miễn hàng đêm được nghe tiếng đàn, lời ca dưới ánh đèn sân khấu lung linh.
Thuở mới đến với nghề, Thanh Sang thường bắt chước lại giọng ca của các nghệ sĩ lừng danh như Thành Công, Út Trà Ôn... Cơ duyên trở thành kép chính đến với ông trong một lần đóng thế Hùng Cường vai Đông Nhật trong vở Tuyết phủ chiều đông. Ông tỏa sáng với vai diễn rồi được biết đến với nghệ danh Thanh Sang.
Thanh Sang từng chia sẻ giai đoạn cơ cực nhất của cuộc đời ông là vào đầu thập niên 1970 khi cải lương gặp khó khăn, các rạp hát tràn ngập phim ảnh. Ông làm nghề lái taxi để nuôi con, thường xuyên đội nón, đeo kính đen để khán giả không nhận ra.
Từ sau năm 1985, ông thôi hát ở đoàn văn nghệ, chỉ thu âm và biểu diễn khi có yêu cầu. Năm 2001, ông lâm bệnh và phải rời xa sân khấu một thời gian dài. Năm 2007, Nghệ sĩ Nhân dân Bạch Tuyết làm đạo diễn chương trình 50 năm một tình yêu nghệ thuật nhằm kỷ niệm 50 năm theo nghiệp cải lương của Thanh Sang.
Đầu năm 2015, ông cùng nhiều nghệ sĩ gạo cội như Minh Vương, Lệ Thủy, Phượng Liên góp mặt trong vở cải lương kinh điển Nửa đời hương phấn khi tác phẩm được tái dựng tại Nhà hát Bến Thành, quận một, TP HCM. Ông đóng vai Cang, anh Hai của Tùng - chàng trai đem lòng yêu kỹ nữ tên Hương. Dù bị tụt huyết áp trên sân khấu, ông vẫn cố gắng hoàn thành vai diễn và gây xúc động cho khán giả bởi nỗ lực diễn xuất.
Nghệ sĩ Thanh Sang qua đời vào rạng sáng ngày 21/4 tại nhà riêng (TP HCM), hưởng thọ 74 tuổi. Lễ tẩm liệm cố nghệ sĩ diễn ra tại nhà riêng vào 7h30 sáng 21/4. Lễ viếng bắt đầu từ 10h ngày 21/4. Lễ truy điệu được tổ chức vào 7h15 ngày 25/4, sau đó lễ an táng diễn ra ở Nghĩa trang Bình Dương.
Tam Kỳ - Thất Sơn