Bà Ngọc Mỹ (hay ở nhà còn có tên Liễu) - vợ nghệ sĩ Thanh Sang - kể chiều 4/4, gia đình đưa ông vào Bệnh viện Gia Định, quận Bình Thạnh, TP HCM vì sức khỏe nghệ sĩ suy yếu. Khi đến bệnh viện, ông vẫn tự mở cửa xe, leo lên băng ca nằm và miêu tả tình trạng khó thở của mình cho bác sĩ. Tuy nhiên, sau vài ngày, bệnh tình ông trở nặng hơn. Sáng 8/4, bác sĩ cho vợ nghệ sĩ biết tim mạch, phổi, thận của ông đều bị suy. Ngoài ra, ông còn bị xuất huyết não và hôn mê sâu.
* Trích vở "Tuyệt tình ca" - NSƯT Thanh Sang và cố NSƯT Út Bạch Lan
"Gia đình muốn đưa ông về nhà nhưng bác sĩ khuyên tôi nên để ông nằm lại vài ngày để còn nước còn tát", bà Liễu chia sẻ. Nghệ sĩ Ưu tú hiện nằm trong phòng hồi sức, được con chăm nom. Vợ ông về nhà chuẩn bị phòng hờ hậu sự. Vợ chồng ông chỉ có hai người con - một trai và một gái.
Từ năm 2001, sức khỏe của nghệ sĩ Thanh Sang đã dần suy yếu. Vì thế, ông xa rời sân khấu một thời gian dài. Năm 2007, nghệ sĩ Bạch Tuyết làm đạo diễn chương trình "50 năm một tình yêu nghệ thuật" nhằm kỷ niệm 50 năm theo nghiệp cải lương của Thanh Sang.
Nghệ sĩ Thanh Sang (thứ hai từ trái qua) tại bữa tiệc tri ân người hiến thận cứu sống Minh Vương tổ chức vào tháng 7/2016. |
Đầu năm 2015, ông cùng nhiều nghệ sĩ gạo cội như Minh Vương, Lệ Thủy, Phượng Liên góp mặt trong vở cải lương kinh điển Nửa đời hương phấn khi tác phẩm được tái dựng tại Nhà hát Bến Thành, quận một, TP HCM. Ông đóng vai Cang, anh Hai của Tùng - chàng trai đem lòng yêu kỹ nữ tên Hương. Dù bị tụt huyết áp trên sân khấu, ông vẫn cố gắng hoàn thành vai diễn và gây xúc động cho khán giả bởi nỗ lực diễn xuất.
* Trích vở "Bên cầu dệt lụa"
Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Sang sinh năm 1943. Ông đi hát từ cuối thập niên 1950 và đoạt giải Thanh Tâm năm 1964 với vai Tạ Tốn trong vở Cô gái Đồ Long. Ông còn nổi tiếng với các vai: Trần Minh "khố chuối" trong Bên cầu dệt lụa, Thi Sách trong Tiếng trống Mê Linh, Tô Điền ở vở Tiếng hạc trong trăng. Lục Vân Tiên trong vở Kiều Nguyệt Nga...
Tam Kỳ