Trước đây, Rachel, tiếp viên hàng không 30 tuổi sau mỗi chuyến châu Âu, thường trở về với một vali đầy hàng xa xỉ. Cô sẽ bán lại phần lớn cho những người mua ở Hong Kong để kiếm lời và chỉ giữ lại món đồ yêu thích.
Tuy nhiên, nghề tay trái của Rachel đã chịu ảnh hưởng lớn từ khi trung tâm tài chính này bước vào suy thoái khi các cuộc biểu tình kéo dài cuối năm ngoái. Hiện công việc chính của cô cũng rủi ro khi Covid-19 khiến các chuyến bay phải dừng hoạt động và ông chủ của Rachel cũng như nhiều hãng hàng không khác còn yêu cầu nhân viên nghỉ việc không lương.
Không còn lựa chọn nào khác, Rachel phải bán một phần bộ sưu tập hàng xa xỉ để lấy tiền mặt. Đầu tháng này, cô đã lên mạng bán chiếc túi Chanel yêu thích của mình và đồng hồ kim cương để lấy 60.000 đôla Hong Kong (HKD), tương đương hơn 7.700 USD.
"Tôi có thể bị hãng loại trong kịch bản tồi tệ nhất. Tôi muốn có thêm tiền mặt trong hoàn cảnh này", nữ tiếp viên hàng không chia sẻ.
Cũng như Rachel, nhiều người ở Hong Kong đã bán bớt hàng hoá và phụ kiện xa xỉ khi kinh tế đặc khu này phải đối mặt với năm tệ nhất từ sau cuộc khủng hoảng tài chính hơn một thập kỷ trước.
Tháng 1, doanh số trang sức, đồng hồ và quà tặng giá trị giảm 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, lượng giao dịch các sản phẩm xa xỉ đã qua sử dụng lại đang tăng lên.
WP Diamonds, công ty đa quốc gia chuyên giao dịch kim cương cũ đã chứng kiến lượng tăng 70% các yêu cầu bán kim cương, trang sức và đồng hồ xa xỉ trên website của họ ở Hong Kong trong 2 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2019. Thậm chí, nhu cầu bán nhẫn đính hôn cũng tăng gấp đôi cho thấy mọi người khó khăn thế nào.
"Đây dường như là một xu hướng để họ có tiền mặt trong trường hợp khủng hoảng kéo dài. Đây cũng là thời điểm hoàn hảo để người tiêu dùng nghĩ về việc bán những món đồ trang sức họ từng yêu thích", Andrew Brown, CEO WP Diamonds cho hay.
Tương tự, Milan Station Holdings, một đơn vị chuyên bán túi xa xỉ secondhand ở Hong Kong cũng thấy lượng túi được bán lại cho các cửa hàng của họ tăng 30% trong 2 tháng vừa qua.
"Mọi người đang bán đi những chiếc túi từng rất hiếm trên thị trường trước đây", Chủ tịch kiêm đồng sáng lập Byron Yiu Kwan-tat nói. Ông cho biết chỉ trong tháng 2, công ty này đã mua lại hơn 10 túi Hermes da cá sấu trị giá hơn 300.000 HKD mỗi chiếc.
Theo Yiu, kinh tế suy thoái đã gây áp lực lên tài chính cá nhân của mọi người và bán các món đồ xa xỉ là cách nhanh nhất để giải quyết khủng hoảng tiền mặt trong ngắn hạn. Ông nhận định cứ khi nào thị trường chứng khoán biến động lớn, những chiếc túi quý hiếm lại được bán ra nhiều hơn.
Thật vậy, nhu cầu cũng đang tăng với các hoạt động kinh doanh khác của Yiu. Yes Lady, công ty dịch vụ tài chính cho phép khách hàng cầm cố túi xách xa xỉ để vay tiền đã cho vay gần gấp 4 lần chỉ trong nửa đầu tháng 3 so với hai tháng đầu năm. "Nhiều khách hàng có nhu cầu rất cấp bách về tiền bạc. Một số cầm đến 5 túi xách xa xỉ cho khoản vay trị giá 1 triệu HKD", Yiu nói.
Trong khi đó, chứng khoán lao dốc làm giao dịch vàng tăng. Hãng trang sức lớn nhất Hong Kong, Chow Tai Fook Jewellery Group cho biết gần đây nhiều khách đến bán trang sức vàng tại các cửa hàng bán lẻ của họ hơn, vàng tăng giá là lý do chính. Các nhà đầu tư đã đổ xô đi mua vàng miếng – một khoản đầu tư an toàn phổ biến khi thị trường chứng khoán đi xuống vì lo ngại Covid-19.
Còn tại Trung Quốc, không có sự gia tăng rõ rệt trong giao dịch của hàng hoá giá trị đã qua sử dụng, theo Dong Bowen, nhà sáng lập một trong những nền tảng đồ xa xỉ đã qua sử dụng lớn nhất Trung Quốc.
"Vấn đề lớn nhất tại Trung Quốc lúc này là vẫn rất bất tiện để mọi người ra ngoài. Ngay cả khi muốn bán, họ cũng không có kênh", Dong nói. Cô tin rằng nhu cầu gia tăng sẽ được phản ánh qua doanh số khi dịch bệnh được kiểm soát.
Dong cho biết, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể là cơ hội cho ngành kinh doanh non trẻ này như sự bùng nổ giao dịch hàng xa xỉ đã qua sử dụng ở Nhật Bản sau khi bong bóng kinh tế năm 1990 xuất hiện.
Tú Anh (theo Nikkei)