Sự bùng phát của dịch viêm phổi đã tác động đến các nhà bán lẻ cao cấp ở những nơi như New York, Paris và Milan, vốn phụ thuộc lớn vào du khách Trung Quốc, những người thường chi tiêu nhiều hơn so với khách du lịch thông thường.
Estée Lauder, Capri Holdings, sở hữu thương hiệu Versace và Jimmy Choo, cảnh báo các nhà đầu tư trong tuần này rằng kết quả tài chính có thể bị ảnh hưởng do doanh số bán cho khách du lịch Trung Quốc thấp hơn.
Cửa hàng Galeries Lafayette mới trên Đại lộ Haussmann ở Paris, nơi có các biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc, và một trung tâm hoàn VAT cho khách du lịch, hầu như trống trải tuần này. Thông thường, hơn 1.000 người ghé thăm cửa hàng mỗi ngày. Nhiều người trong đó là khách Trung Quốc. Họ đến bằng xe bus sau khi tham quan các điểm như Louvre, một nhân viên bán hàng cho biết.
Tại Via Monte Napoleone ở Milan, hầu hết cửa hàng đều thuê một nhân viên bán hàng nói tiếng Hoa trong những năm gần đây. Nhưng hiện giờ, khách du lịch Trung Quốc gần như đã biến mất.
Ông Jac Cammaroto, người làm việc trong một cửa hàng Fendi trên phố mua sắm cao cấp nhất của Italy nói: "Nếu bạn nghĩ đã nhìn thấy một người mua sắm Trung Quốc những ngày này, thì có lẽ là đó một ảo ảnh. Nếu tuần trước vẫn thấy một nhóm đông người Trung Quốc đi qua, vài ngày qua, chỉ rải rác một hoặc hai người".
Khách du lịch Trung Quốc quan trọng với các nhà bán lẻ hơn nhiều so với trước đây. Gần 170 triệu người Trung Quốc đã đi nước ngoài vào năm 2018, năm gần nhất có số liệu, theo Tổ chức Du lịch Thế giới. Họ đã chi khoảng 277 tỷ USD. So với một thập kỷ trước, lượng khách đã tăng 3 lần và số tiền chi tiêu đã tăng 5 lần.
Trên toàn cầu, người tiêu dùng Trung Quốc năm ngoái đã mua hàng hóa xa xỉ trị giá gần 110 tỷ USD, bao gồm quần áo, đồ da, đồ trang sức và chủ yếu là mua ở bên ngoài Trung Quốc.
Theo ước tính của công ty nghiên cứu Tourism Economics, nền kinh tế Mỹ nhìn chung có thể mất 10,3 tỷ USD chi tiêu của du khách Trung Quốc do dịch viêm phổi. Năm qua, người Trung Quốc chiếm 7% lượt khách nước ngoài đến Mỹ. Họ đã chi khoảng 34 tỷ USD cho các dịch vụ du lịch và vận chuyển.
Fabrizio Freda, CEO Estée Lauder, nhận định sẽ có sự suy giảm nghiêm trọng về khách Trung Quốc không đến Mỹ trong ít nhất 2, 3 tháng tới. "Rõ ràng, điều này sẽ tác động tiêu cực đến việc bán hàng cho du khách Trung Quốc", Fabrizio Freda nói. Hôm thứ năm, công ty đã hạ triển vọng tài chính năm nay vì tác động của dịch viêm phổi.
Capri, bao gồm thương hiệu Michael Kors, cho biết hôm thứ tư rằng việc hạn chế đi lại kéo dài có thể làm giảm lưu lượng khách của cửa hàng, gây áp lực lên hệ thống ở Trung Quốc và các nước thường xuyên có khách du lịch Trung Quốc. Công ty dự đoán sự bùng phát của nCoV sẽ cắt giảm khoảng 100 triệu USD doanh thu trong quý IV của năm tài chính này.
Tapestry, công ty sở hữu các thương hiệu như Coach và Kate Spade, hôm thứ năm dự báo dịch bệnh sẽ khiến doanh số giảm khoảng 200 triệu đến 250 triệu USD trong nửa cuối năm tài chính hiện tại.
"Sự bùng phát leo thang của nCoV ở Trung Quốc đang ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của chúng tôi, dẫn đến cả sự sụt giảm đáng kể lượng khách và đóng cửa phần lớn các cửa hàng tại đại lục", Chủ tịch và Giám đốc điều hành Jide Zeitlin cho biết. "Nếu tình hình xấu đi hoặc bùng phát hơn nữa, ảnh hưởng đến nhu cầu bên ngoài đất nước, thì có thể gây tác động tồi tệ hơn", ông nói thêm.
Du khách Trung Quốc đã trở thành một trụ cột của ngành du lịch châu Âu. Italy là điểm đến hàng đầu châu Âu của họ. Đã có 5,3 triệu lượt qua đêm của du khách Trung Quốc hồi năm ngoái. Họ ở lại nước này trung bình gần 13 đêm, nhiều hơn bất kỳ khách du lịch nước nào khác. Người Mỹ chỉ đứng thứ năm, với 9,6 đêm.
Tại Paris, khách Trung Quốc trung bình chi khoảng 1.000 euro (1.099 USD) trong một chuyến đi, so với 640 euro cho du khách nói chung, theo Phòng Thương mại Paris. Người Trung Quốc là một trong số khách chi tiêu lớn nhất ở Pháp, mua khoảng 4 tỷ euro mỗi năm.
Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc thích mua túi Gucci ở Milan hoặc nước hoa Hermès ở Paris, nơi giá có xu hướng thấp hơn ở Trung Quốc. Một số thương hiệu còn bán những sản phẩm chỉ có ở châu Âu mà không thể tìm thấy ở Trung Quốc.
Phiên An (theo Wall Street Journal)