Andy Li đã đến trung tâm thương mại Maoye ở Sơn Tây 3 lần kể từ khi lệnh cách ly được nới lỏng 2 tuần trước. Nơi này luôn kiểm tra thân nhiệt khách hàng ở cửa vào và bắt buộc mọi người đeo khẩu trang.
"Tôi bị nhốt trong nhà cả tháng rồi. Khu của chúng tôi không cho phép mọi người đi đâu cả. Giờ tôi mới cảm thấy như được tự do trở lại", anh nói. Li từng cố mua đồ online trong thời gian bị cách ly. Nhưng những sản phẩm anh đặt hàng lại bị tắc nghẽn ở cửa khẩu.
"Chúng tôi nhận thấy có sự cải thiện trong việc kinh doanh ở Trung Quốc", Micaela Le Divelec Lemmi – CEO hãng đồ xa xỉ Salvatore Ferragamo (Italy) hôm thứ ba cho biết, "Ngoài lưu lượng khách hàng, tâm lý người mua Trung Quốc cũng tốt lên. Sau 1,5 tháng bị phong tỏa, họ rất muốn quay lại cuộc sống trước đây".
Lưu lượng khách tại các cửa hàng ở Trung Quốc đang dần tăng lên, sau khi giảm tới 80% trong thời kỳ dịch bệnh lên đỉnh điểm. Đà hồi phục có thể tăng tốc trong vài tuần tới, nhờ tâm lý "mua bù". Amrita Banta – Giám đốc Agility Research nhận xét: "Trung Quốc có vẻ đang tốt dần lên và các thành phố lớn cũng bày tỏ sự lạc quan thận trọng. Chúng tôi nhìn thấy sự chuyển biến chậm thôi, nhưng rõ ràng theo hướng tích cực".
Người Trung Quốc đóng góp hơn một phần ba doanh thu hàng xa xỉ toàn cầu, và đóng góp hai phần ba tăng trưởng ngành này những năm gần đây. Khi Bắc Kinh áp lệnh phong tỏa cuối tháng 1 để chặn lại đà lây lan của virus, doanh số hàng xa xỉ đã chững lại ngay khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán chỉ mới bắt đầu. Ngành này sau đó lại chịu tiếp cú sốc khi các kinh đô hàng xa xỉ như Italy cũng áp lệnh cách ly. Covid-19 còn lan ra nhiều thị trường lớn, như Mỹ.
Dù vậy, đại dịch tại Trung Quốc đang dần được kiểm soát. Số ca nhiễm mới giảm mạnh so với vài tuần trước. Nhiều thương hiệu xa xỉ đã hoạt động trở lại. Hermes cho biết họ đã mở cửa lại gần như toàn bộ cửa hàng ở Trung Quốc. Trước đó, hãng đóng 11 cơ sở khi lệnh phong tỏa lên đỉnh điểm. Hãng trang sức Chow Tai Fook cũng cho biết 85% trong số hơn 3.600 cửa hàng của họ tại Trung Quốc sẽ khôi phục hoạt động tuần này.
Các chuyến bay bị hủy và lệnh cấm bán tour khiến người Trung Quốc khó đi nước ngoài. Việc này sẽ khiến họ chuyển sang mua hàng trong nước. Xu hướng này càng được củng cố nhờ thuế nhập khẩu được cắt giảm.
Dù vậy, việc mua bù khó bù đắp toàn bộ doanh thu bị mất. Dịch bệnh được dự báo thổi bay 40 tỷ euro (45 tỷ USD) doanh thu ngành hàng xa xỉ năm nay, theo khảo sát của Boston Consulting Group và Sanford C. Bernstein. Và không phải tất cả mọi người đều sẽ quay trở lại trung tâm thương mại khi lệnh phong tỏa nới lỏng.
"Vấn đề nằm ở sự tự tin của người dân thôi", Jason Yu – Giám đốc Kantar Worldpanel Greater China cho biết. Nhiều người làm việc trong ngành dịch vụ hoặc điều hành các công ty nhỏ đã chịu nhiều thiệt hại vì đại dịch. Họ có thể sẽ chi tiêu tiết kiệm hơn.
Dù quý I u ám, với doanh thu được dự báo giảm 25% - 33% trên toàn cầu, Ferragamo vẫn hy vọng doanh thu tại Trung Quốc tăng trưởng năm nay. Tuy nhiên, đó là chỉ khi dịch bệnh tiếp tục đi xuống. Công ty này sẽ cắt giảm sản xuất và ngừng các khoản đầu tư "không được coi là nền tảng"."Cũng như các đối thủ, chúng tôi chỉ có 24 giờ mỗi ngày thôi", Le Divelec Lemmi cho biết.
Hà Thu (theo Bloomberg)