Bà là một trong hai nghệ sĩ được Hội đồng cấp cơ sở của Cục gửi danh sách lên Hội đồng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thanh Loan cho biết lần đầu làm hồ sơ từ sau khi được trao Nghệ sĩ ưu tú năm 1993. Theo tiêu chí trước đây, bà không đủ thành tích xét duyệt Nghệ sĩ Nhân dân. Khi Nhà nước ban hành Nghị định bổ sung, ưu tiên các nghệ sĩ cao tuổi có cống hiến, bạn bè động viên bà nộp hồ sơ.
Nghệ sĩ nói: "Tôi mới chỉ có một giải Cánh Diều Bạc khi làm đạo diễn phim Những người trong truyện và một một giải khuyến khích của Hội Điện ảnh Việt Nam cho phim Bộ trưởng của chúng tôi. Ngành điện ảnh của chúng tôi có ít kỳ liên hoan, rất khó giành giải cao. Tôi nghĩ nghị định ưu tiên phù hợp với các nghệ sĩ thế hệ cách mạng chúng tôi, những người thầm lặng cống hiến nhiều năm nhưng chưa có nhiều giải vàng giải bạc". Bà cho biết rất vui nếu hồ sơ qua các vòng tiếp theo và được nhận danh hiệu.
Theo Nghị định ban hành hôm 31/3, các trường hợp thiếu huy chương vẫn được vào danh sách xét duyệt Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú gồm: nghệ sĩ cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị; hoặc nghệ sĩ là giảng viên các trường nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt giải cao tại quốc tế.
Thanh Loan sinh năm 1951, tốt nghiệp Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), từng phục vụ văn nghệ tại tuyến lửa khu 4, đường 9 Nam Lào. Bà nổi tiếng với vai ni cô Huyền Trang - chiến sĩ tình báo khoác áo tu hành để dễ bề hoạt động trong Biệt động Sài Gòn. Thời điểm đóng phim năm 1982, bà là phát thanh viên của Truyền hình Công an nhân dân, được đạo diễn Long Vân chọn nhờ khuôn mặt phúc hậu, ánh mắt buồn.
Để nhập vai, bà cắt mái tóc dài, vào chùa ở một tuần để học cách tụng kinh, gõ mõ, đi đứng của người tu hành. Phim quay trong bốn năm, có nhiều cảnh khó như Huyền Trang đi chân trần khất thực trên đường nhựa nóng hầm hập, bị tra tấn bằng điện... Vai diễn thành công đến nỗi khán giả ít khi gọi bà bằng tên thật mà thường nhắc đến ni cô Huyền Trang. Để tham gia tác phẩm, Thanh Loan và nhiều diễn viên miền Bắc phải chuyển hẳn vào Sài Gòn sống, vài tháng mới được về thăm nhà một lần.
Sau Biệt động Sài Gòn, Thanh Loan tham gia một số phim như Phương án ba bông hồng, Nơi tình yêu đã chết... nhưng không có vai nào vượt qua được Huyền Trang. Diễn viên cũng chia sẻ đây là vai diễn bà tâm đắc nhất.
Nghệ sĩ Thanh Loan có quân hàm đại tá, là nguyên Phó Giám đốc Hội Điện ảnh Công an Nhân dân. Sau khi về hưu, bà vẫn hoạt động quản lý nghệ thuật năng nổ, hiện giữ chức Phó Chủ tịch hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Phó chủ tịch phụ trách Hội Điện ảnh Hà Nội, Chi hội trưởng Chi hội Điện ảnh Công an. Bà có hôn nhân viên mãn với người chồng tiến sĩ khoa học. Ông luôn hết lòng ủng hộ, tôn trọng nghề nghiệp của vợ.
Hà Thu