Ở tuổi ngoài 60, nữ diễn viên Thanh Loan vẫn giữ nguyên nét đẹp cổ điển trên gương mặt và sự tươi trẻ, quyết liệt trong tinh thần. Bà diện bộ váy kiểu dáng trung niên, tóc tết thả sau lưng, tự lái xe máy tới văn phòng Chi hội Điện ảnh Công an ở 100 Yết Kiêu, Hà Nội - nơi bà đảm nhận vai trò Chi hội trưởng từ nhiều năm nay.
Khán giả phần đông nhớ đến Thanh Loan với vai diễn Huyền Trang - nữ biệt động Sài thành giả ni cô trong bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Long Vân cuối thập niên 1980. Trước đó, bà tham gia khoảng 10 bộ phim và quyết định rời xa điện ảnh sau khi Biệt động Sài Gòn kết thúc quay năm 1986. Với Thanh Loan, hành trình hơn 10 năm gắn bó với điện ảnh khởi nguồn từ một cơ duyên. Và quyết định dừng lại là một lựa chọn cho thấy bà “biết tới đâu là đủ”.
“Hãy nói điều gì khác đi, đừng nói về ni cô Huyền Trang nữa”, nữ diễn viên mở đầu câu chuyện. Không phải Thanh Loan muốn chối bỏ vai diễn đã làm nên đỉnh cao trong sự nghiệp phim ảnh, mà bởi đã có quá nhiều điều được nói và nói nữa cũng sẽ chỉ lặp lại. Phần khác, có lẽ bởi bà muốn có sự công bằng cho nhiều vai tâm huyết khác, nhiều dấu ấn quan trọng khác trong cuộc đời diễn xuất. Bên cạnh ni cô Huyền Trang, nữ diễn viên có Riêng của Người về đồng cói, Lê của Bài ca ra trận, Mai trong Phương án ba bông hồng… Hay nói cách khác, phải có cả một tiền đề và bước đệm để làm nên vai diễn ni cô Huyền Trang vang bóng.
Người về đồng cói - bộ phim chạm ngõ điện ảnh của Thanh Loan, do cố NSND Bạch Diệp đạo diễn và nhà văn Lê Lựu viết kịch bản đầu tay năm 1971 - là bước ngoặt với bà. Trước đó, Thanh Loan là diễn viên đoàn kịch nói của Tổng cục Chính trị quân đội. Dù nhận nhiều lời mời đóng phim, do là lính, sinh hoạt theo kỷ luật quân đội, bà không được phép ra ngoài tham gia hoạt động dân sự, nên đã bỏ lỡ vai diễn trong bộ phim Chị Nhung và Không nơi ẩn nấp. Đó là điều Thanh Loan tiếc nhất thời trẻ. Sau Người về đồng cói, Thanh Loan bắt đầu được ghi nhận cả lĩnh vực kịch nói và điện ảnh.
Và dù có hạn chế nhắc đến, với Thanh Loan, dường như mọi câu chuyện đều dẫn tới Biệt động Sài Gòn. Bộ phim quay xong tập một mà đạo diễn Long Vân vẫn chưa tìm được ai phù hợp vai ni cô Huyền Trang cho tới khi gặp được bà. Gương mặt, cốt cách của nữ diễn viên được cho là có nét từ bi hỷ xả của nhà Phật. Để vào vai này, NSƯT Thanh Loan đã phải cắt phăng mái tóc dài và dày thời con gái thành tóc tém và cạo trắng phía sau gáy. Đạo diễn Long Vân nhiều lần "dụ dỗ" cạo trọc nhưng nữ diễn viên không chịu. Trong phân cảnh Huyền Trang bị lộ và trở về thân phận nữ biệt động, bà phải đeo tóc giả.
Thanh Loan đã nhiều lần kể về những vất vả khi đóng các cảnh quay như bị tra tấn bằng cách dội nước, chích điện hay cảnh khất thực giữa trời nắng đến ngất lả… Nhưng trường đoạn bà yêu thích nhất trong phim mà chưa bao giờ chia sẻ là cảnh hồi tưởng lần tiễn nhau giữa nhân vật nam chính Tư Chung - anh bộ đội miền Nam tập kết ra Bắc - và Huyền Trang. Họ tiễn nhau ở một con sông, anh bộ đội trên bờ đánh đàn măng đô lin còn Huyền Trang ở dưới sông hát theo.
Đó là cảnh quay đen trắng duy nhất trong bộ phim màu bốn tập đầu tiên của điện ảnh Việt Nam, để chân thực với độ lùi thời gian 10 năm. Thanh Loan nhớ, diễn viên Quang Thái (vào vai Tư Chung) chân trắng quá nên phải bôi bùn đen cho bớt trắng. Bà cũng phải nhờ đến kỹ xảo quay để trông trẻ hơn. Nữ diễn viên cho rằng cảnh quay rất thuần Việt, tế nhị, tinh tế, không hề có ôm hôn mà vẫn cho thấy tình cảm của hai người yêu nhau. "Nó đẹp, lãng mạn và dung dị như chính những con người khi đó".
Bộ phim Biệt động Sài Gòn khi công chiếu quãng năm 1986, 1987 đã làm mưa làm gió khắp các rạp chiếu trên cả nước. Nhiều người Hà Nội thời đó xếp hàng đi xem phim đông đến nỗi sập cả rào chắn. Danh tiếng của Thanh Loan cũng từ đó nổi lên. Nhiều người khi nhắc đến tên bà đều không biết, nhưng chỉ cần nói tới ni cô Huyền Trang là lập tức nhớ ra. Nữ diễn viên thừa nhận vai diễn Huyền Trang đã đạt đến đỉnh cao và nghĩ không thể nào vượt qua đỉnh cao đó nên từ chối nhiều lời mời. Hơn nữa, công việc ăn lương nhà nước không cho phép bà có nhiều thời gian đi đóng phim như các diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp.
Sau Biệt động Sài Gòn, Thanh Loan đi học đạo diễn và được đề bạt làm Phó giám đốc hội điện ảnh của Bộ công an. Bà vẫn tích cực tham gia các hội, đoàn nghề nghiệp sau khi về hưu.
Người phụ nữ thành công không bằng người biết giữ lửa gia đình
Thanh Loan là mẫu phụ nữ Hà thành với tôn chỉ giữ gìn những giá trị truyền thống, trong đó có gia đình. Đây là một phần lý do khiến bà ngừng đóng phim. Thanh Loan sớm kết hôn ở tuổi 23 với người chồng hơn 10 tuổi.
Nữ diễn viên chia sẻ việc làm phim trước đây hết sức khó khăn, vất vả. Một bộ phim quay hết cả năm trời khiến thời gian dành cho gia đình dường như không có. Khi quay Biệt động Sài Gòn, chồng bà, một tiến sĩ khoa học về Công nghệ Thông tin, đang đi nghiên cứu ở Đức. Thanh Loan sống cùng anh chị em đoàn phim trong những dãy nhà cấp bốn tại trường quay ở Đồn Đất, TP HCM. Bà để hai con ở nhà với bà nội, cứ hai, ba tháng mới về thăm một lần. Hạnh phúc nhất của nữ diễn viên thời gian này là mỗi mùa hè, các thành viên trong đoàn phim cùng đưa gia đình, con cái vào trường quay chơi. Mẹ chồng và hai con bà cũng vào. Đó là khoảng thời gian gắn bó, sum họp đầy hạnh phúc. Khi phim hoàn tất, nữ diễn viên lại để con ở nhà với mẹ chồng để bay sang Đức thăm chồng.
Nữ diễn viên cho rằng người phụ nữ có thành công đến bao nhiêu, vinh quang đến bao nhiêu vẫn cần phải giữ lấy ngọn lửa gia đình. Vì thế, bà lựa chọn trở về với gia đình thay vì tham vọng, mải mê sự nghiệp.
Nói về mối duyên với người chồng tiến sĩ khoa học, Thanh Loan đùa: "Trời se lấy que buộc lại". Cả hai được người thím của chồng Thanh Loan là một diễn viên cải lương nổi tiếng se duyên. Bà thấy ông hiền, ít nói, chỉ cười nên xiêu lòng. Còn với chồng, Thanh Loan đoán là thích mình vì xinh đẹp mà lại mang chất lính chứ không mảnh mai, yếu đuối. Cuối cùng, tiến sĩ khoa học từ Đức về lấy được cô vợ "xinh nhất Hà Nội" và chung sống hạnh phúc đến nay. Nữ diễn viên nói bà may mắn có được người chồng tốt, hết lòng ủng hộ, tôn trọng nghề nghiệp của vợ.
Nữ diễn viên cũng hết lời ca ngợi người mẹ chồng đã khuất, người luôn bảo vệ mình khi chồng phàn nàn chuyện đi đóng phim và giúp Thanh Loan chăm các con. Bà mừng rằng khi đóng Biệt động Sài Gòn, bà có cơ hội cho mẹ chồng cùng bố đẻ lần đầu và cũng là lần cuối trong đời họ được ngồi máy bay, đi thăm thú họ hàng trong Sài Gòn. Mẹ chồng nữ diễn viên cũng tới trường quay và xuất hiện trong một cảnh đi lễ chùa của Biệt động Sài Gòn, Thanh Loan tiết lộ.
Nhìn lại cuộc đời mình, Thanh Loan cho rằng bà may mắn, đến nay tạm ổn và viên mãn. Đó là nhờ nữ diễn viên chọn cho mình lối sống giản dị, vừa phải, không đòi hỏi quá cao. Trong khi nhiều người thường ấn định hồng nhan là phải truân chuyên, Thanh Loan nói, tất cả là do con người.
Cuộc sống gia đình yên ấm là tất cả với Thanh Loan hiện tại. Chồng bà vẫn đều đặn tham gia công tác giảng dạy cao học chuyên ngành Toán Tin. Nữ diễn viên hiện đảm nhận vai trò Chi hội trưởng Chi hội Điện ảnh Công an bên cạnh việc viết kịch bản, đi trại sáng tác hàng năm và làm đạo diễn khi có sức. Các con một trai một gái đã trưởng thành, lập gia đình, sống quầy quần bên bố mẹ tại hai ngôi nhà cạnh nhau ở Hà Nội. Ngày cuối tuần, NSƯT Thanh Loan dành thời gian chơi với các cháu nội ngoại. Nữ diễn viên cũng tích cực rủ bạn bè đi thiện nguyện, giúp những người khó khăn, với tâm niệm "gieo hạt ngọt được quả ngọt".
Vừa đủ với Thanh Loan, có khi cũng đến từ những điều rất giản dị. Sau cuộc trò chuyện kéo dài tới nửa trưa, nữ diễn viên bận rộn hẹn bạn bè cùng đi ăn và tập yoga. Bà vẫn cẩn trọng giữ gìn vẻ đẹp trời cho và hình ảnh của mình, lo ngại cười nhiều khi lên hình có thể làm lộ nếp nhăn, mái tóc chưa kịp nhuộm, dáng ngồi chưa được cân đối. Thanh Loan nói, nhan sắc bố mẹ cho nên mình phải biết ơn, nhưng "đừng làm gì quá kẻo ông trời bắt tội".
Anh Sa