Nghị định bổ sung về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú được ban hành hôm 31/3. Quy chế xét tặng danh hiệu theo huy chương không thay đổi, tuy nhiên bổ sung một số trường hợp được xét duyệt ưu tiên. Các trường hợp thiếu huy chương vẫn được vào danh sách xét duyệt gồm: nghệ sĩ cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật; nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị; hoặc nghệ sĩ là giảng viên các trường nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt giải cao tại quốc tế.
Quy định xét duyệt theo huy chương gây tranh cãi nhiều năm nay. Nghệ sĩ được xét duyệt danh hiệu ưu tú cần có hai giải vàng quốc gia hoặc một giải vàng và hai giải bạc quốc gia - trong đó một giải vàng là của cá nhân. Trường hợp không có giải cá nhân, nghệ sĩ phải đoạt ba giải vàng tập thể.
Đa số nghệ sĩ muốn bỏ cơ chế này vì thiếu công bằng, đặc biệt là với các nghệ sĩ lớn tuổi, không còn công tác ở các đơn vị nghệ thuật, không có cơ hội tham gia các hội diễn để giành giải. Tại hội thảo lấy ý kiến cuối năm 2019, ca sĩ Thanh Hoa nhận định quy chế xét danh hiệu dựa trên số huy chương dẫn đến việc nghệ sĩ chạy chọt, ganh đua ở các hội diễn, liên hoan chuyên nghiệp.
Nghệ sĩ Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam - nói nhiều người có đủ huy chương, được trao danh hiệu nhưng khán giả không biết họ là ai. Tại hội thảo giữa năm ngoái, nghệ sĩ Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam - cho rằng việc quy đổi huy chương nặng về hình thức, không góp phần tìm ra các cá nhân xuất sắc.
Giới nghệ sĩ, công chúng từng lên tiếng việc một số diễn viên quen thuộc, được khán giả yêu mến phải chật vật vài lần làm thủ tục mới được phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân. Cụ thể, diễn viên Trần Hạnh, Minh Vương, Thanh Tuấn từng nhiều lần trượt danh hiệu vì thiếu huy chương vàng. Trường hợp ba nghệ sĩ được đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ, đặc cách nhận danh hiệu hồi tháng 8/2019.
Hà Thu