Giọng hát của Thanh Lam ở tuổi 51, có thể ví như ngọn lửa đã cháy đượm - vẫn rực rỡ thăng hoa mà ít huyên náo, ồn ào. Như cách Lam hát trong album mới nhất - Nơi gặp gỡ tình yêu. Ở một trong những ca khúc "đinh" của album - Ở hai đầu nỗi nhớ, chị trải giọng từ tốn trên nền guitar mộc của Thanh Phương. Thanh Lam từ từ rót lời vào tai người nghe: "Có một không gian nào, đo chiều dài nỗi nhớ/ Có khoảng mênh mông nào sâu thẳm như tình thương/ Ở đâu đây nỗi nhớ/ Em mơ về bên anh/ Ngôi sao như xuống thấp cho ta gần nhau hơn".
Với giọng hát kỹ thuật và nội lực, chị thừa sức biến nỗi nhớ trong bài dữ dội, "lên thác xuống ghềnh". Nhưng Lam cho thấy một tâm thế tiếp cận khác: để bản thân đạt đến trạng thái tĩnh nhất, lắng nghe mình rồi trải lòng bằng cách hát như rủ rỉ trò chuyện. Lối đó được duy trì xuyên suốt, mang đến cảm xúc sâu lắng, nỗi nhớ như ngấm dần. Bài hát không có những đoạn đẩy nốt cao tới nóc hay gào, gằn từng được khán giả định danh là phong cách Thanh Lam.
Tuy nhiên, với nhiều người từng nghe Ở hai đầu nỗi nhớ theo phong cách trữ tình da diết, họ chưa dễ dàng chấp nhận phiên bản hát-như-nói của ca sĩ. Nhiều khán giả trên VnExpress nhận xét cách hát vẫn thiếu sự trôi chảy, dịu dàng như những bản cũ. Kỳ thực, cái dịu dàng ở Thanh Lam không giống một ngọn gió, dòng suối hay đám mây. Đó là sự dịu dàng của lửa - luôn không ngừng cháy. Nhưng cách "cháy" của hiện tại đã khác - tĩnh và hướng nội.
Ở Nơi gặp gỡ tình yêu, sự dịu dàng tươi mới được lộ rõ nét. Có những đoạn chị hát như một hơi thở nhẹ, có đoạn như lời thủ thỉ vào tai người yêu, lúc như tiếng ngọn lửa tí tách vui tai. Ấn tượng chung là sự nhẹ nhõm, an nhiên.
Trong hầu hết ca khúc của album, chị sử dụng lối hát nói, nhưng không trưng trổ như một kỹ thuật cao siêu mà đưa về trạng thái như-nói của đời thường. Mới đây, khi biểu diễn trong chương trình Music Home, Thanh Lam hát ca khúc Người đàn bà tháng bảy của Lưu Hà An. Chị "vẽ" ra hình ảnh người đàn bà khắc khoải, lắng nghe nội tâm nhiều hơn và kể cho khán giả câu chuyện của mình.
Thực ra, khó có chuyện Thanh Lam sẽ đóng khung bản thân vào một khuôn mẫu trong âm nhạc. Bằng chứng là cũng ở chương trình Music Home, chị biến hóa với Jazz, Pop, Rock... Chị là một trong số ít ca sĩ với giọng hát dày, quãng rộng, trường hơi, có thể so găng nhạc cụ. Trong hầu hết chương trình của Thanh Lam đều có những đoạn chị và một nhạc công solo theo kiểu đối đầu. Vẫn với sự máu lửa đó, ca sĩ điều tiết để kể cả khi dữ dội nhất cũng là từ nội tâm phát ra chứ không phải sự phô diễn của hình thức bên ngoài. Như ngọn lửa đã cháy bền, không còn mất kiểm soát.
Cách điều tiết giọng hát có thể đến từ kinh nghiệm hun đúc nhiều năm, cũng có thể ảnh hưởng một phần từ nội tâm. Khi người yêu nói về Thanh Lam, anh cho biết tưởng đi tìm sự dữ dội, hóa ra lại gặp dịu dàng. Nếu gặp chị nhiều năm trước, có thể anh đã nhận xét khác. Bằng chứng, chồng cũ của chị - Quốc Trung - chưa khi nào công khai nói Thanh Lam dịu dàng. Những thay đổi đã đến trong chính con người chị. Ca sĩ kể từ khi bố - nhạc sĩ Thuận Yến - qua đời, chị bắt đầu lắng lại. "Ở lứa tuổi của tôi, con người đã đầy đủ trải nghiệm với trái tim vị tha, nhân ái. Ba mất là cú sốc rất lớn để tôi thấy cuộc sống rất vô thường, chỉ có cái chết là chắc chắn. Vì vậy tôi độ lượng hơn với may rủi của cuộc sống, trưởng thành hơn nhiều khi đón nhận mưa nắng cũng như nghịch cảnh của số phận", chị nói.
Chị cũng tìm đến giáo lý nhà Phật để có được sự tĩnh tâm. Thanh Lam từng đùa người yêu may mắn vì xuất hiện khi chị đã đạt được sự cân bằng để lắng nghe mình. Có tình yêu, hạnh phúc, tâm tính lại càng nhuần hơn. Nhờ đó, phần dương tính của "ngọn lửa Lam" được khắc chế, lộ ra những âm bản dịu dàng.
Những kỹ thuật rung giọng, gằn giọng, luyến láy, ngắt nghỉ tùy hứng vẫn có thể làm một bộ phận khán giả khó chịu. Song với những người còn định kiến "hễ Thanh Lam hát là gào rú": nếu chú tâm, sẽ nghe thấy một Thanh Lam dịu dàng.
Trước đây, với nhiệt lượng luôn chờ bùng nổ, chị thường được ví như núi lửa. Ở tuổi ngoài 50, diva nói lần đầu tiên trong đời chị đón một sinh nhật hạnh phúc đến vậy: bạn trai và các con chung, con riêng của hai người quây quần hát mừng. Núi lửa thì xa lạ, cô đơn. Có lẽ hình ảnh ngọn lửa trong căn bếp của gia đình lúc này phù hợp với Thanh Lam hơn cả. Một ngọn lửa dịu dàng.
Phù Du