Đêm nhạc Mây và Em tối 19/10 tại Nhà hát Lớn mang đến tiếng cười cho khán giả nhờ những nét đùa dí dỏm của nghệ sĩ trong lúc biểu diễn. Khi Hà Trần và Tùng Dương song ca một đoạn ca khúc Chị tôi của Trần Tiến ở gần cuối chương trình, họ bỗng nhìn nhau phì cười. Cả hai hát câu "Chị tôi chưa lấy chồng" rồi cùng chỉ tay về phía Thanh Lam, lúc này đang tiến ra sân khấu. Ngoài đời, Thanh Lam - Tùng Dương - Hà Trần có mối quan hệ thân thiết. Hiện Hà Trần, Tùng Dương đã "yên bề gia thất", Thanh Lam vẫn tự do sau khi ly hôn nhạc sĩ Quốc Trung năm 2002. Màn trêu đùa thể hiện khía cạnh đời thường, thân tình của nghệ sĩ - ngoài những lúc họ nghiêm túc cống hiến trên sân khấu.
Tùng Dương giữ nét duyên và gần gũi khán giả - khác vẻ quái, điên khi hát của anh. Khi vắt chân ở mép sân khấu hát ca khúc Mang thai của nhạc sĩ Sa Huỳnh, nam ca sĩ cười sảng khoái khi nhiều khán giả nữ nhanh nhảu hát giúp anh câu "Đàn bà mang thai đàn ông". Ca sĩ nói: "Các chị chỉ thế là nhanh. Ngày hôm nay xin dành cho các chị tỏa sáng". Tùng Dương hôn gió các khán giả nữ và đùa với cánh đàn ông: "Các anh đừng ghen nhé, Tùng Dương hôm nay là của các chị", được mọi người hưởng ứng nhiệt tình.
Trần Thu Hà - sau khi được MC Lê Anh ví như cốm đầu mùa, mỗi năm chỉ về nước hát đôi lần vào mùa thu - cũng đùa vì tên cô là dòng sông mùa thu. Uyên Linh giữ lối trò chuyện khúc chiết, hài hước. Khi giới thiệu ca khúc Mùa đông sẽ qua (Huy Tuấn), cô đùa dù bề ngoài "xăm trổ", bên trong cũng có những phút giây yếu mềm hay buồn bã. Tuy vậy, ca khúc giúp cô nhận ra một điều: "Buồn nào rồi cũng sẽ qua, chỉ riêng buồn ngủ không tha ngày nào". Ca sĩ Tấn Minh lại khiến khán giả cười vì sự thành thật khi nói ở tuổi 47, anh vẫn là đứa trẻ khiến mẹ lo lắng, thường phải nhờ vợ an ủi mẹ.
Đêm nhạc chất lượng từ ý tưởng, danh sách bài hát, dàn ca sĩ, khiến giả vỗ tay không ngớt sau mỗi màn diễn. Chọn chủ đề Mây và Em, những người thực hiện liên kết hai hình ảnh để thể hiện sự mềm mại nhưng có khả năng che chở, bao dung thế giới của phái nữ, mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10). Các ca khúc xoay quanh hai hình ảnh này, cho thấy những phẩm chất tinh túy của phụ nữ Việt qua các thời kỳ, trong đời sống và tình yêu.
Thanh Lam luôn là "ngọn lửa" khi xuất hiện với khả năng làm chủ sân khấu tuyệt đối, điều phối giọng hát - lúc thì thầm, khi cuộn trào dữ dội. Khán giả gần như nín lặng vài phút khi chị "song ca" cùng cây violin (nghệ sĩ Tú Xỉn) trên sân khấu trong ca khúc Khúc mùa thu (Phú Quang). Giọng hát và âm thanh của nhạc cụ khi hòa làm một, lúc lại như đối thoại tâm tình. Khi màn trình diễn kết thúc, khán giả dành cho ca sĩ tràng pháo tay dài.
Tùng Dương nối tiếp "lửa" từ Thanh Lam với những màn "lên đồng". Các ca khúc anh chọn mở rộng dần biên độ về phụ nữ. Anh hát về họ trong đời thường lầm lũi thân cò (ca khúc Con cò - Lưu Hà An sáng tác), ca ngợi họ với thiên chức mang thai (ca khúc Mang thai - Sa Huỳnh), chung thủy (Người đàn bà hóa đá - Trần Lập) hay đặt họ trong những hệ quy chiếu lớn hơn mang tính triết học - âm dương, trời đất - để cho thấy vai trò không thể thiếu trong kiến tạo thế giới (ca khúc Trời và đất của Lưu Hà An).
Giọng hát của Tấn Minh hút tai người nghe với các ca khúc Mẹ (Phú Quang), Lời chim đỗ quyên (Thanh Tùng)... Hà Trần tinh tế với Tình ca của Quốc Bảo, Bài không tên 50 (Vũ Thành An), Mùa hè đẹp nhất (Đức Huy). Uyên Linh đưa tới khán giả trải nghiệm của một cô gái 8X trong đời sống và tình yêu - khắc khoải nhưng cũng đầy mạnh mẽ - qua Chờ người nơi ấy, Mùa đông sẽ qua (Huy Tuấn), Bài hát của em (Trang).
Ban nhạc chơi hòa quyện với ca sĩ, đặc biệt thăng hoa ở những màn so găng cùng giọng hát Thanh Lam, Tùng Dương. Hình ảnh trình chiếu trau chuốt, góp phần truyền thông điệp trong bài hát tới thị giác khán giả. Những màn múa ballet, múa đương đại tiết chế vừa phải, giúp ca sĩ kể câu chuyện âm nhạc tốt hơn.
Di Ca