Báo cáo nhà chung cư TP HCM và vùng phụ cận của DKRA Việt Nam cho biết, trong quý III, sức mua toàn thị trường lao dốc do vướng phong tỏa trong đợt Covid-19 lần thứ tư. TP HCM chỉ tiêu thụ được 1.864 căn, thanh khoản thấp nhất so với 15 tháng qua do là tâm dịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước.
Tính gộp TP HCM và 4 vùng phụ cận (Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu), lượng tiêu thụ toàn thị trường chủ lực 5 tỉnh phía Nam chỉ đạt 2.700 căn, tiếp tục rớt 16% so với quý trước (bán được 3.252 căn) và lao dốc 71% so với cùng kỳ năm ngoái (bán được 9.646 căn). Dữ liệu thị trường cho thấy 3 tháng qua sức tiêu thụ giảm xuống mức thấp nhất kể từ cột mốc tháng 7/2020.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tái bùng phát trên diện rộng khắp TP HCM và nhiều tỉnh lân cận, thị trường căn hộ rơi vào tình thế đóng băng. Tại TP HCM, ngoài một số dự án quy mô lớn có thời gian công bố và nhận booking (giữ chỗ) khá dài, hầu hết các dự án mở bán trong quý III đều tung ra số lượng sản phẩm rất hạn chế. Các tỉnh phía Nam ghi nhận 3.516 căn chào hàng trong quý (có 10 dự án tung ra giai đoạn tiếp theo và 3 dự án mới) chủ yếu bằng hình thức bán hàng online, song không đạt hiệu quả so với hình thức bán hàng trực tiếp.
Tiêu thụ nhà chung cư trên thị trường thứ cấp TP HCM và vùng phụ cận cũng gần như ngủ đông trong các tháng 7, 8, 9. Một số nhà đầu tư cá nhân có xu hướng chủ động giảm giá bán để nhanh chóng thu hồi vốn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp.
Nguồn cung căn hộ tại 5 tỉnh phía Nam trong quý IV được dự báo có thể tăng nhẹ, phân khúc căn hộ hạng A và B (nhà cao cấp và trung cấp) chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu rổ hàng mới. Căn hộ hạng C (nhà bình dân, giá rẻ) được dự báo tiếp tục vắng bóng trên thị trường. Sau thời gian dài trầm lắng với thanh khoản kém kỷ lục, thị trường chờ cơ hội "rã đông" trong mùa cao điểm bán hàng cuối năm 2021 khi TP HCM và một số tỉnh phía Nam từng bước dỡ phong tỏa và có phương án sống chung với đại dịch.
Trung Tín