Báo cáo nhà liền thổ TP HCM của Công ty DKRA Việt Nam cho biết, trong các tháng 7, 8, 9 vừa qua, thị trường chỉ bán được 4 căn nhà phố và biệt thự trong dự án mới tung hàng, sức tiêu thụ giảm 99% so với cùng kỳ năm 2020, thanh khoản xuống thấp nhất nửa thập niên.
Nguyên nhân thanh khoản nhà phố, biệt thự lao dốc là do toàn thành phố phong tỏa để phòng chống đợt dịch Covid-19, nhà đầu tư không thể di chuyển để ra quyết định mua tài sản. Bởi lẽ đặc thù của thị trường bất động sản liền thổ là giá trị rất lớn, trước khi xuống tiền đầu tư, khách hàng có xu hướng đi thăm dự án, khảo sát thực tế và kiểm tra pháp lý mới chọn mặt gửi vàng.
Ba tháng qua, nhiều chủ đầu tư thay đổi hoặc dời thời gian bán hàng so với kế hoạch ban đầu khiến cho rổ hàng sơ cấp (chủ đầu tư chào bán lần đầu) chỉ có 9 sản phẩm được tung ra trong quý, thấp kỷ lục trong vòng nửa thập niên qua. Giao dịch nhà liền thổ trên thị trường thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) cũng bị đóng băng do tác động của dịch bệnh.
Dữ liệu của đơn vị này cho thấy, tiêu thụ lũy tiến (cả rổ hàng cũ lẫn mới gộp lại) cho thấy, trong quý III, TP HCM bán được 77 căn nhà phố, biệt thự trên tổng nguồn cung 1.399 căn, tồn kho 1.322 căn. Quý II bán được 365 căn trên tổng rổ hàng 1.748 căn, tồn kho 1.383 căn. Quý đầu năm nay thị trường tiêu thụ 338 căn trên tổng hàng hóa 1.813 sản phẩm, tồn kho 1.475 căn. Hai quý cuối năm 2020, tức rơi vào mùa cao điểm bán hàng, thị trường nhà phố biệt thự phía Nam cũng bị tồn đọng 1.500-1.560 căn chưa bán được.
Trong suốt 5 quý gần đây, quý nào thị trường TP HCM cũng tồn kho hơn nghìn căn nhà phố, biệt thự. Sản lượng tồn kho tăng chủ yếu rơi vào nhóm sản phẩm giá trị cao khi giá đất tại Thành phố cũng đã đội lên rất nhiều sau những đợt sốt liên tục nửa thập niên qua.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận nghiên cứu và phát triển DKRA Việt Nam cho biết, việc siết chặt cấp phép xây dựng cũng như quỹ đất trên địa bàn TP HCM ngày càng hạn chế khiến nguồn cung chỉ phủ sóng ở những dự án cũ. Lượng hàng tồn kho nhiều trong giai đoạn dịch bệnh kéo dài, giá trị hàng tồn cũng rất cao, rơi vào nhóm sản phẩm trị giá hàng chục tỷ đồng.
Ông Hoàng phân tích, do giá đất tại TP HCM đang ngày càng leo thang nên phân khúc nhà phố, biệt thự tại đô thị sôi động nhất cả nước đang có xu hướng dịch chuyển ra vùng ven. Điều này dẫn đến TP HCM lép vế rổ hàng so với các tỉnh lân cận.
Làn sóng chào bán các dự án nhà phố và biệt thự mới dần xuất hiện ở các vùng giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An... nhiều hơn để tận dụng lợi thế quỹ đất dồi dào, cơ sở hạ tầng kết nối thuận tiện và mức giá bán cạnh tranh hơn Sài Gòn.
Trung Tín