Thủ hiến Carles Puigdemont cùng các lãnh đạo vùng Catalonia ngày 10/10 ký bản tuyên bố độc lập, tách khỏi Tây Ban Nha nhưng hoãn thi hành để đối thoại với Madrid. Động thái trên được thực hiện sau khi kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 1/10 cho thấy 90% trong 2,26 triệu người bỏ phiếu ủng hộ việc tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha, theo công bố từ chính quyền vùng tự trị này.
Tuy nhiên, tòa án hiến pháp Tây Ban Nha coi cuộc trưng cầu dân ý ở Catalonia là bất hợp pháp, ra tối hậu thư cho lãnh đạo khu vực 5 ngày để trả lời về việc họ có tuyên bố độc lập hay không, đồng thời cảnh báo về những hậu quả khó lường của quyết định ly khai.
Giới chuyên gia nhận định để có thể trở thành quốc gia độc lập, Catalonia vẫn còn cả một quãng đường dài phải đi và nó chắc chắn sẽ vô cùng gập ghềnh, theo Guardian. Trong quá khứ, nhiều phong trào ly khai đòi độc lập đã dẫn tới thành công, song cũng có không ít nỗ lực rơi vào ngõ cụt. Trong hầu hết các trường hợp, quá trình chia tách thường đi kèm với bạo lực và đều để lại những hệ quả nhất định.
Crimea
Ngày 16/3/2014, Crimea tuyên bố tách khỏi Ukraine sau cuộc trưng cầu dân ý với kết quả 96% người dân trên bán đảo ủng hộ sáp nhập vào Nga. Cuộc trưng cầu gây tranh cãi được Moscow công nhận, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định Crimea "đã và sẽ mãi mãi là một phần của Nga" trong lễ ký kết hiệp ước sáp nhập.
Ngay sau ngày sáp nhập, Moscow đã tăng cường đầu tư vào Crimea nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng thu nhập cho người dân trên bán đảo. Trong quý đầu năm 2017, kinh tế Crimea đã được Nga đầu tư hơn 23 tỷ rúp (gần 400 triệu USD), tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2016.
Hành loạt mối quan hệ hợp tác quốc tế mới hình thành. Cựu thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama hồi tháng 3/2015 sang thăm Crimea và khẳng định bán đảo này hoàn toàn có thể hồi sinh tiềm năng công nghiệp dựa vào sự giúp đỡ từ Tokyo.
Trung Quốc mới đây cũng thể hiện muốn hỗ trợ Crimea gắn kết hơn với Nga khi thực hiện dự án đường hầm dưới biển. Bắc Kinh coi đây như một điểm trung chuyển trong khuôn khổ siêu dự án "Vành đai và Con đường".
Tuy nhiên, động thái trên bị Mỹ và phương Tây phản đối gay gắt. Cũng vì việc sáp nhập này, Nga phải liên tiếp hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt từ phương Tây, khiến kinh tế nước này gặp phải nhiều thách thức.
Serbia và Montenegro
Ở Đông Nam châu Âu, quá trình Liên minh Nhà nước Serbia và Montenegro phân tách thành Cộng hòa Serbia và Cộng hòa Montenegro hồi năm 2006 cũng được đánh giá là một phong trào ly khai thành công.
Thực tế, Montenegro là bên chấm dứt mối quan hệ bằng cuộc trưng cầu dân ý ngày 21/5/2006, trong đó hơn 55% người dân muốn tách khỏi Serbia. Ngày 3/6, Montenegro tuyên bố độc lập. Vài ngày sau, Serbia tiếp bước.
Từ khi độc lập, Montenegro đã nộp đơn trở thành thành viên Liên minh châu Âu (EU), gia nhập Tổ chức Kinh tế Thế giới (WTO), phục hồi chế độ quân chủ. Nhìn chung, kinh tế Montenegro sau độc lập được đánh giá là có nhiều khởi sắc.
Timor Leste
Tại Đông Nam Á, Timor Leste là một điển hình cho thành công của phong trào ly khai đòi độc lập khi họ đã phải trải qua một cuộc đấu tranh lâu dài.
Timor Leste là thuộc địa của Bồ Đào Nha từ thế kỷ 16. Năm 1749, Timor tách ra thành hai phần sau cuộc chiến tranh giữa Bồ Đào Nha và Hà Lan. Bồ Đào Nha nhận khu vực phía đông hòn đảo.
Năm 1974, cuộc cách mạng chống phát xít ở Bồ Đào Nha thắng lợi đã mang lại cho Timor Leste cam kết giải phóng thuộc địa từ phía chính quyền trung ương. Tuy nhiên, tháng 12/1975, chưa đầy một năm sau khi Timor Leste đơn phương tuyên bố độc lập, Indonesia đã xâm chiếm vùng lãnh thổ này. Dù vậy, Liên Hợp Quốc chưa bao giờ công nhận việc Indonesia sáp nhập Timor Leste.
Năm 1998, Tổng thống Indonesia Hajji Suharto từ chức. Người kế nhiệm Bacharuddin Jusuf Habibie thông báo Jakarta có thể cho vùng lãnh thổ hưởng quy chế đặc biệt. Tháng 1/1999, Indonesia ra tuyên bố sẽ để Timor Leste được độc lập nếu người dân ở đây không muốn chế độ tự trị.
Ngày 30/8/1999 đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Timor Leste: 98,6% cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý về độc lập do Liên Hợp Quốc tổ chức. Chính phủ Indonesia coi đây là biểu hiện của "tự do và bình đẳng". Kết quả cuộc trưng cầu dân ý cho thấy 78,5% người tham gia bỏ phiếu lựa chọn độc lập, chỉ 21,5% cử tri chấp nhận quyền tự trị đặc biệt dưới sự lãnh đạo của Indonesia.
Nhưng chỉ vài giờ kể từ thời điểm kết quả được công bố ngày 4/9/1999, Timor Leste đã bị nhấn chìm trong bạo lực do các lực lượng dân quân ủng hộ Indonesia, những người thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý, gây ra. Xung đột và giao tranh đã khiến ít nhất 1.000 người thiệt mạng. Song với sự giúp đỡ từ cộng đồng quốc tế, trật tự dần lập lại sau nhiều tháng. Ngày 20/5/2002, Timor Leste chính thức trở thành một quốc gia độc lập.
Sau 15 năm, quốc gia non trẻ Timor Leste giờ đây đang tập trung cho nỗ lực tái thiết đất nước và phát triển nền kinh tế. Ngân hàng Thế giới đánh giá "sự phát triển kinh tế và xã hội ở Timor Leste là đáng kinh ngạc".
Singapore
Singapore là một ví dụ điển hình khác cho thấy thành công của phong trào ly khai, không chỉ trong nỗ lực giành độc lập mà còn về cả con đường phát triển. Năm 1959, ông Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng đầu tiên của Singapore sau khi đảng Hành động vì Nhân dân do ông sáng lập thắng cử. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên ở Singapore dưới chính quyền tự trị. Singapore lúc bấy giờ vẫn là thuộc địa của Anh.
Để tìm cách thoát hoàn toàn khỏi Anh, ông Lý Quang Diệu đã khởi xướng và dẫn dắt một chiến dịch vận động hợp nhất Singapore với Malay cùng một số khu vực khác để hình thành quốc gia mới là Malaysia.
Ngày 16/9/1964, Malaysia được thành lập. Tuy nhiên, việc Singapore ở trong liên bang Malaysia không bền vững. Lãnh đạo Malaysia khi đó lo ngại cộng đồng người Hoa đông đảo ở Singapore có thể gây ra những bất ổn về sắc tộc và e sợ rằng đảng Hành động vì Nhân dân có thể đe dọa đến địa vị chính trị của họ.
Thực tế, từ giữa năm 1964, ở Malaysia đã bắt đầu xảy ra các cuộc bạo loạn sắc tộc. Tình trạng này dẫn đến việc ông Lý Quang Diệu và thủ tướng Malaysia Tunku Abdul Rahman phải ký một thỏa thuận tách Singapore khỏi Liên bang Malaysia vào tháng 8/1965. Singapore chính thức trở thành quốc gia độc lập.
Từ một nước thuộc thế giới thứ ba, Singapore đã vươn lên trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới, mệnh danh "con rồng châu Á". Quốc đảo này cũng ghi dấu ấn là một ốc đảo xanh và sạch tuyệt đối.
Chỉ với diện tích 715 km2, song Singapore thuộc nhóm có GDP bình quân đầu người cao nhất thế giới. Năm 1965, thu nhập bình quân của người dân ở mức 500 USD, đến năm 1991 con số này lên 14.500 USD và ngày nay đạt mức 55.000 USD.
Scotland
Năm 2014, được chính phủ Anh phê chuẩn, Scotland tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập. Tuy nhiên, những người chủ trương ly khai đã thất bại khi có đến 55% cử tri Scotland chọn tiếp tục ở lại với nước Anh. Song đảng Dân tộc Scotland (SNP), chính đảng muốn Scotland độc lập, vẫn chưa từ bỏ hy vọng, theo CNBC.
Bà Nicola Sturgeon, lãnh đạo đảng SNP, mới đây tiếp tục kêu gọi trưng cầu dân ý lần hai. Tuy nhiên, đảng của bà đã mất một số ghế quốc hội trong cuộc tổng tuyển cử hồi đầu năm. Thực tế trên cho thấy người dân Scotland có lẽ không còn mặn mà với ý tưởng tách khỏi Anh.
Nam Sudan
Đây là một trong những quốc gia non trẻ nhất thế giới khi mới tuyên bố độc lập khỏi Sudan hồi tháng 9/2011, sau một cuộc nội chiến sắc tộc đẫm máu kéo dài nhiều thập kỷ. Trong cuộc trưng cầu dân ý về độc lập, gần 99% người dân Nam Sudan đã đồng ý với phương án tách khỏi Sudan và họ cũng nhanh chóng được cộng đồng quốc tế công nhận.
Tuy nhiên, kể từ khi độc lập, Nam Sudan phải đối diện với hàng loạt vấn đề. Chiến tranh đã phá hủy gần như toàn bộ nền nông nghiệp Nam Sudan, đẩy lạm phát tăng cao, lên đến 800%/năm. Người dân không còn đủ khả năng chi trả cho cuộc sống, nạn đói hoành hành.
Cuộc nội chiến tại Nam Sudan bùng phát khi Tổng thống Salva Kirr sa thải cấp phó của mình hồi năm 2013, chỉ hai năm sau thời điểm Nam Sudan giành độc lập từ Sudan.
Đói nghèo, xung đột, lạm phát ở Nam Sudan tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Phi kể từ nạn diệt chủng tại Rwanda năm 1994. Theo Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn, tại Nam Sudan, 75% trẻ em không được đến trường. Hơn một triệu trẻ em đã trốn khỏi đất nước, trong khi một triệu em khác đang phải chạy loạn trong nội địa quốc gia này.
Phần lớn người dân Nam Sudan tị nạn tại các nước láng giềng như Uganda, Kenya, Sudan hay Ethiopia. Họ đều là những quốc gia nghèo khó, đang phải vật lộn để đảm bảo cuộc sống.
Kosovo
Ở Đông Âu, Kosovo ngày 17/2/2008 tuyên bố độc lập khỏi Serbia. Kosovo được Liên Hợp Quốc quản lý từ năm 1999, khi NATO dội bom xuống Serbia, buộc tổng thống Serbia lúc bấy giờ, ông Slobodan Milosevic, phải rút quân khỏi khu vực này và thay vào đó là lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Việc Kosovo tuyên bố độc lập bị Nga và Serbia phản đối. Nga lo ngại đây sẽ là khởi đầu cho những phòng trào đòi ly khai khác. Serbia trong khi đó quan tâm tới cuộc sống của cộng đồng người Serb ở đây.
Kosovo sau độc lập cũng phải đối diện hàng loạt vấn đề. Căng thẳng sắc tộc và tỷ lệ tội phạm có tổ chức vẫn ở mức cao. Kinh tế chưa phát triển. Tỷ lệ thất nghiệp năm 2013 lên tới 45%.
Chechnya
Phong trào ly khai đòi tách khỏi Nga đến nay vẫn diễn ra âm ỉ ở Bắc Kavkaz. Năm 1991, việc Cộng hòa Chechnya tuyên bố độc lập đã dẫn tới hai cuộc chiến tranh giữa Chechnya và Nga năm 1994-1996 và 1999-2000. Xung đột khiến thành phố Grozny, thủ phủ Chechnya, bị phá hủy.
Lực lượng ly khai Chechnya là chủ mưu gây ra hàng loạt vụ khủng bố tại Nga, điển hình như cuộc tấn công nhằm vào một nhà hát ở Moscow năm 2002 khiến 130 người thiệt mạng, hay vụ đánh bom ga tàu điện ngầm ở thủ đô Nga năm 2004, cướp đi sinh mạng 39 người. Cũng vào năm 2004, các tay súng Chechnya bắt giữ hàng trăm học sinh làm con tin tại một ngôi trường ở Beslan, Bắc Ossetia-Alania. Sau nhiều ngày bao vây, Nga phải triển khai cả xe tăng để tấn công. Vụ việc khiến 300 người thiệt mạng.
Chưa dừng lại, năm 2009, lực lượng ly khai Chechnya, dưới sự chỉ đạo của Caucasus Emirate, một nhóm cực đoan Hồi giáo, đánh bom tự sát đường ray tàu cao tốc nối giữa St. Petersburg và Moscow, khiến 28 người chết. Nhóm này còn nhận trách nhiệm gây ra vụ tấn công sân bay Domodedovo ở Moscow hồi năm 2011, khiến 37 người thiệt mạng.
Người Kurd
Tại Iraq, chính quyền tự trị người Kurd cuối tháng 9 thông báo phần lớn người dân vùng này ủng hộ ly khai khỏi chính quyền trung ương Baghdad trong cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập. Tuy nhiên, chính quyền Iraq bác bỏ kết quả này, gọi cuộc trưng cầu dân ý là vi hiến.
Giới chuyên gia cũng cho rằng cuộc trưng cầu dân ý chưa thể giúp khu tự trị người Kurd trở thành một nhà nước độc lập bởi động thái trên đơn giản chỉ mang tính thăm dò. Quan trọng hơn cả, muốn độc lập, họ cần được quốc tế công nhận.
Tân Cương
Tại Trung Quốc, phong trào ly khai ở khu vực Tân Cương lâu nay vẫn khiến nhà chức trách nước này đau đầu. Tân Cương là nơi sinh sống của người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo. Khu tự trị này có vị trí chiến lược và giáp với nhiều quốc gia Trung Á. Chính phủ Trung Quốc cho rằng những cuộc bạo lực nhiều năm qua tại đây là do các phiến quân và những phần tử Hồi giáo ly khai, muốn thiết lập một nhà nước độc lập có tên gọi Đông Turkestan, thực hiện.
Vũ Hoàng