Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 12/5 ký sắc lệnh điều chuyển đại tướng Sergey Shoigu sang làm thư ký Hội đồng An ninh Nga, nhường lại vị trí Bộ trưởng Quốc phòng cho cựu phó thủ tướng kiêm nhà kinh tế học Andrey Belousov.
Khi quốc hội Nga dự kiến phê duyệt đề cử của Tổng thống Putin trong tuần này, ông Shoigu sẽ chấm dứt nhiệm kỳ Bộ trưởng Quốc phòng lâu nhất lịch sử Nga và sự nghiệp chính trị của ông sẽ bước sang trang mới, sau nhiều thăng trầm và biến động.
Ông Shoigu sinh ngày 21/5/1955 tại Chadan, Cộng hòa Tuva thuộc Nga. Bố ông là Kuzhuget Shoigu, tổng biên tập một tờ báo địa phương, và có sự nghiệp chính trị thành công sau đó. Mẹ ông là Alexandra Kudryavtseva, sinh ra ở Ukraine và chuyển đến Tuva sau khi quen ông Kuzhuget.
Khi 5 tuổi, Shoigu được làm lễ rửa tội tại thị trấn Stakhanov, miền đông Ukraine, nơi họ hàng mẹ ông sinh sống. Ông Shoigu chia sẻ câu chuyện này hồi tháng 7/2019. Phóng viên khi đó còn hỏi về khả năng quân đội Nga và Ukraine đối đầu trực tiếp trên chiến trường, kịch bản được ông Shoigu mô tả là "không thể xảy ra".
Stakhanov hiện là Kadeevka, tỉnh Lugansk, một trong 4 khu vực ở Ukraine mà Nga tuyên bố sáp nhập vào lãnh thổ năm 2023.
Ông Shoigu tốt nghiệp ngành kỹ thuật dân sự tại Viện Bách khoa Krasnoyarsk vào năm 1977. Ông sau đó làm việc tại một số công ty xây dựng ở vùng Siberia, tham gia các dự án quan trọng cho đến cuối thập niên 1980.
Năm 1990 được cho là bước ngoặt trong sự nghiệp của ông Shoigu. Giới lãnh đạo Nga chú ý đến tài năng của kỹ sư Shoigu và đề bạt ông giữ chức phó chủ tịch Ủy ban Nhà nước về Kiến trúc và Xây dựng. Ông Shoigu và gia đình chuyển đến Moskva sinh sống.
Năm 1991, Shoigu được bổ nhiệm làm chủ tịch cơ quan cứu hộ Nga, sau này là Bộ Các tình trạng Khẩn cấp Nga, dù chưa có kinh nghiệm xử lý các vấn đề tại vùng chiến sự hay điểm nóng, thiên tai. Ông lần đầu liên quan trực tiếp đến một cuộc xung đột vũ trang năm 1992, khi thiết lập lực lượng gìn giữ hòa bình tại Nam Ossetia.
"Chiến tranh là điều khủng khiếp. Tôi nói điều này bởi tôi hiểu rất rõ chiến tranh là gì", ông kể lại.
Nga năm 1993 chìm trong khủng hoảng hiến pháp do mâu thuẫn giữa Tổng thống Boris Yeltsin và nhóm nghị sĩ đối lập tại quốc hội. Căng thẳng lên đỉnh điểm khi ông Yeltsin ngày 4/10/1993 quyết định tấn công Nhà Trắng, tòa nhà chính phủ ở Moskva, nơi phe đối lập cố thủ.
Ông Yeltsin lo ngại quân đội không chấp hành mệnh lệnh tấn công của mình và cân nhắc phương án nhờ sự trợ giúp từ người ủng hộ đang tập trung tại tòa nhà hội đồng Moskva. Nhưng để thực hiện được phương án này, ông phải cấp vũ khí cho họ.
Yeltsin đã đề nghị Shoigu giúp đỡ. Các nhân chứng nói rằng ba xe tải chở theo 1.500 khẩu súng đã được điều đến hiện trường, nhưng không dùng đến do quân đội Nga vẫn tuân lệnh tổng thống và nã đạn pháo xe tăng vào Nhà Trắng để buộc phe đối lập nhượng bộ.
Sau sự kiện, ông Shoigu được trao Huân chương Người bảo vệ Tự do Nga và thăng hàm lên thiếu tướng. Hai năm sau, ông được thăng hàm trung tướng và nhận hàm đại tướng vào năm 1998.
Ngày 31/12/1999, ông Yeltsin bất ngờ tuyên bố từ chức vào trao lại quyền lực cho ông Vladimir Putin. Ông Shoigu khi đó là lãnh đạo đảng Thống nhất được thành lập tháng 10 cùng năm để đối phó liên minh Tổ quốc - Toàn Nga đối lập. Đảng Thống nhất sau đó hợp nhất với một số đảng phái khác thành đảng Nước Nga Thống nhất, trong khi liên minh đối lập giải tán năm 2002.
Ông Shoigu là một trong những bộ trưởng được tín nhiệm cao nhất trong chính phủ Nga, tại nhiệm lâu nhất thời hậu Liên Xô, lãnh đạo Bộ Các tình trạng Khẩn cấp từ 1991 đến 2012. Tháng 5/2012, ông Shoigu được bổ nhiệm thống đốc vùng Moskva và được Tổng thống Putin chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng tháng 11 cùng năm, khi người tiền nhiệm Anatoly Serdyukov mất chức vì bê bối tham nhũng.
Do đã có hàm đại tướng trong Bộ Các tình trạng Khẩn cấp, ông lập tức được phiên sang hàm đại tướng quân đội, dù hầu như chưa có nhiều kinh nghiệm quân sự. Tổng thống Putin đặt nhiều niềm tin vào ông Shoigu trong kỳ vọng cải tổ quân đội Nga sau cuộc chiến ở Chechnya.
Ông Shoigu sau đó điều phối thành công nhiều hoạt động lớn của quân đội Nga, bao gồm can thiệp quân sự tại Syria năm 2015 hỗ trợ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad, đồng minh thân cận của Moskva, chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và lực lượng nổi dậy.
Ông thường xuyên xuất hiện cùng ông Putin trên các bản tin, củng cố mối quan hệ cá nhân gắn bó với Tổng thống. Năm 2020, trong sinh nhật lần thứ 65 của Bộ trưởng Shoigu, Tổng thống Putin đã trao cho ông Huân chương vì Tổ quốc, một trong những phần thưởng cao quý nhất tại Nga.
"Ông ấy thực sự có cơ hội trở thành người kế nhiệm ông Putin", Nikolay Mitrokhin, Đại học Bremen, Đức, nói với Al Jazeera năm 2021.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Shoigu đối mặt nốt trầm trong sự nghiệp sau khi Nga phát động chiến dịch ở Ukraine tháng 2/2022.
Là lãnh đạo cao nhất của Bộ Quốc phòng, đại tướng Shoigu đã vạch chiến lược "đánh nhanh, thắng nhanh", với tham vọng đưa quân đánh chiếm Kiev trong vòng ba ngày và lật đổ chính phủ của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Tuy nhiên, kế hoạch tác chiến này nhanh chóng bộc lộ nhiều lỗ hổng, cho thấy người lãnh đạo thiếu kinh nghiệm và tầm nhìn về tác chiến. Lực lượng đặc nhiệm Nga được triển khai đánh chiếm sân bay Hostomel ở ngoại ô Kiev ngay trong ngày đầu chiến dịch và kiểm soát mục tiêu chiến lược này, nhưng các đội quân chi viện không thể đến kịp lúc.
Hàng loạt vấn đề về hậu cần và sai lầm trong cách áp dụng học thuyết quân sự khiến cánh quân Nga từ phía bắc ùn ứ ở ngoại ô Kiev, không thể phối hợp với đặc nhiệm ở Hostomel. Cuối cùng, dưới sức kháng cự của Ukraine, đơn vị đặc nhiệm Nga chiếm giữ sân bay Hostomel bị xóa sổ, đoàn xe thiết giáp Nga cũng phải rút khỏi Kiev với tổn thất nặng nề.
Sau thất bại này, ông Shoigu được cho là không còn nắm vai trò quan trọng trong cách Nga tiến hành cuộc xung đột, mà các hoạt động tác chiến được giao cho Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov.
Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin từng công khai chỉ trích giới lãnh đạo quân đội Nga về cách tiến hành chiến dịch tại Ukraine và phát động cuộc nổi loạn nhằm lật đổ ông Shoigu tháng 6/2023. Nỗ lực của Prigozhin thất bại và trùm Wagner sau đó thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay tháng 8/2023.
Dù quân đội Nga sau đó đánh bại chiến dịch phản công quy mô lớn của Ukraine và chuyển sang thế tấn công, uy tín của tướng Shoigu không được phục hồi trong mắt ông Putin. Hai người gần như không thể hiện bất cứ hình ảnh thân thiết, gần gũi nào như trước đây.
Ông Shoigu tiếp tục hứng chịu đòn giáng khi thứ trưởng quốc phòng Timur Ivanov, trợ lý thân cận của ông Shoigu, bị bắt hồi tháng 4 với cáo buộc nhận hối lộ.
Ngay trước khi bị bắt, ông Ivanov vừa có cuộc họp với Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu và các quan chức quốc phòng cấp cao, cho thấy ông Shoigu dường như không nắm được thông tin gì về động thái chống tham nhũng này. Truyền thông Nga đưa tin ông Ivanov bị nghi nhận hối lộ ít nhất một triệu ruble (hơn 10.000 USD) từ một doanh nhân ngành xây dựng và có thể đối mặt án tù 15 năm nếu bị kết tội.
Theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov, việc ông Belousov được chọn thay thế Shoigu vì nhu cầu "đổi mới", trong bối cảnh ngân sách quốc phòng Nga đang tăng và ngày càng tiệm cận mức thời Chiến tranh Lạnh.
Rob Lee, Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại trụ sở Mỹ, cho rằng việc bị chuyển sang Hội đồng An ninh Nga có thể không phải là dấu chấm hết với sự nghiệp chính trị của ông Shoigu.
"Động thái cho phép ông Putin vẫn giữ được ông Shoigu bên mình, trong khi bổ nhiệm được một người có khả năng đối phó tham nhũng ở Bộ Quốc phòng Nga", Philip Ingram, cựu đại tá tình báo quân đội Anh, nói với Politico.
Như Tâm (Theo Al Jazeera, AFP)