Đối với Mỹ, lời xin lỗi hôm 17/9 về vụ không kích bằng máy bay không người lái khiến 10 dân thường Afghanistan thiệt mạng là sự thừa nhận hiếm hoi về sai lầm chết người của quân đội. Tuy nhiên, đối với gia đình các nạn nhân, điều đó không đủ.
"Không ai liên lạc với chúng tôi để xin lỗi", Emal Ahmadi hôm 18/9 cho hay. Con gái mới biết đi của anh, Malika, là một trong 7 trẻ em thiệt mạng trong vụ không kích nhầm ngày 29/8.
Ahmadi cho biết anh rất ngạc nhiên khi biết Mỹ đã công khai xin lỗi, vì anh vẫn chưa nhận được phản hồi từ quan chức nào. Tuy nhiên, anh cũng nói rằng lời xin lỗi sẽ không đủ.
"Tôi đã mất 10 người thân và Mỹ phải trả giá", anh nói. "Mỹ nên bồi thường và đưa chúng tôi khỏi Kabul".
Ramin Yousuf, em họ của Ahmadi và từng làm việc cho quân đội Afghanistan trước khi Taliban giành quyền kiểm soát Kabul, nói rằng tất nhiên điều gia đình thực sự muốn là những người thân yêu của họ vẫn còn sống.
"Trong một phút, chúng tôi mất tất cả", Yousuf, 31 tuổi, nói. "Lời xin lỗi này chữa lành được nỗi đau nào đây? Nhưng chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài yêu cầu Mỹ bù đắp".
Theo Yousuf, gia đình cũng lo sợ bị Taliban nhắm mục tiêu sau khi lên tiếng về tình hình của họ và mong muốn được rời khỏi Kabul. Cả Yousuf và Ahmadi đều nói nếu có cơ hội, họ vẫn muốn tị nạn ở Mỹ, bất chấp bi kịch mà quân đội nước này gây ra với gia đình họ.
"Chúng tôi không có lựa chọn nào khác trong tình huống này", Yousuf cho hay. "Nhưng trước tiên, quan chức Mỹ nên gọi điện trực tiếp cho gia đình tôi và xin lỗi tất cả người mẹ đã mất con trong cuộc không kích đó".
Lầu Năm Góc hiện chưa bình luận.
Đại tướng Kenneth McKenzie, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, hôm 17/9 nhận toàn bộ trách nhiệm về cuộc không kích bằng máy bay không người lái (UAV) tháng trước mà ông mô tả là "sai lầm" tai hại. Vụ không khích nhằm mục tiêu nghi là thành viên nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), nhánh Afghanistan của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Mỹ sau đó xác định không có khả năng những người thiệt mạng liên quan IS-K. Sự thừa nhận đó ban đầu là tất cả những gì gia đình Ahmadi mong muốn sau khi tên của họ đột nhiên bị gắn với IS-K.
Vào ngày xảy ra bi kịch, anh họ của Ahmadi, Zemari Ahmadi, nhân viên cứu trợ được tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ thuê làm việc để giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng ở Afghanistan, vừa đi làm về và con trai út Farzad, 13 tuổi, chạy ra ngoài đón bố.
Farzad gần đây học lái xe và muốn giúp bố đỗ xe, nhưng máy bay không người lái của Mỹ lao trúng chiếc xe, giết chết hai cha con cùng 8 thành viên khác trong gia đình. Điều tra của tờ New York Times cho thấy một số hành động của Ahmadi vào ngày xảy ra không kích có thể đã bị quân đội Mỹ hiểu nhầm, với các bình đựng nước bị nhầm là chất nổ.
Ahmadi cho biết con gái Malika của anh và hai đứa trẻ mới biết đi khác là những thành viên nhỏ tuổi nhất trong gia đình, cùng các cháu trai Arwin, 7 tuổi và Benyamin, 6 tuổi cũng như hai con trai khác của Zemari là Zamir, 20 tuổi và Faisal, 16 tuổi.
"Cha tôi nói con bé sẽ là thiên tài trong tương lai. Nhưng không may, chúng tôi đã đánh mất thiên tài nhỏ bé", Yousuf nói về cháu gái Sumaia, hai tuổi.
Ahmad Naser, cựu sĩ quan quân đội Afghanistan từng là nhà thầu của quân đội Mỹ, cũng thiệt mạng trong vụ nổ. Chỉ còn vài ngày nữa, Naser sẽ kết hôn với con gái của Zemari. Gia đình đã lên kế hoạch tổ chức đám cưới nhỏ vào tuần đó và Naser cũng hy vọng có thể đưa vài người trong gia đình lên một trong những chuyến bay sơ tán cuối cùng từ Kabul đến Mỹ.
McKenzie cho biết Mỹ đang "xem xét bồi thường" cho người thân các nạn nhân và Lầu Năm Góc đang "tham khảo ý kiến với văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng". Tuy nhiên, ông thừa nhận hiện rất khó tiếp cận những người đang ở Afghanistan.
Huyền Lê (Theo NBC News)