"Nếu chúng ta có thể sản xuất iPhone, tại sao không thể tạo ra xe điện? Đó là một chiếc iPhone có bốn bánh", Terry Gou, người sáng lập Foxconn, nói trong một cuộc họp nội bộ.
Ông Gou đã không dưới một lần nhắc đến tham vọng tự tạo một chiếc ôtô mang thương hiệu Foxconn. Theo các nguồn tin nội bộ, ông ủng hộ một dự án riêng của công ty năm 2014 có tên mã "A-Fu Initiative", với tham vọng về một chiếc xe điện hoàn chỉnh. Dự án có sự tham gia của nhiều kỹ sư, chuyên gia về công nghệ và thiết bị dẫn đường. Khi đó, Gou hứa rằng ông sẽ chia cổ phần cho các thành viên tham gia nếu dự án thành công.
Dù vậy, "A-Fu Initiative" chỉ tồn tại một thời gian ngắn do các công đoạn chế tạo xe phức tạp hơn so với dự kiến. Tuy nhiên, giấc mơ ôtô điện của Foxconn không hề mất đi. Một báo cáo mới cho thấy công ty đang thúc đẩy phát triển một mẫu xe điện khác với mong muốn sẽ khắc phục các nhược điểm trong quá khứ.
Young Liu, người tiếp quản vị trí chủ tịch Foxconn từ Gou hai năm trước, khẳng định công ty sẽ đặt dấu chân của mình vào các thiết kế, linh kiện, bộ phận cơ khí hoặc phần mềm trong 5% xe điện toàn cầu năm 2025. Tham vọng của Foxconn ngày một lớn hơn sau đó, khi công ty công bố kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp ôtô điện nguyên chiếc ở Mỹ và Thái Lan, cũng như tìm địa điểm mới để sản xuất ôtô ở châu Âu.
Chiến lược của Foxconn diễn ra trong bối cảnh lợi nhuận của công ty từ việc sản xuất các thiết bị điện tử tiêu dùng ngày càng giảm. Năm ngoái, doanh thu của Foxconn chỉ tăng 0,3%, lợi nhuận cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2017.
Theo giới phân tích, xe điện sẽ là yếu tố quan trọng giúp Foxconn có thể tăng tỷ suất lợi nhuận gộp từ 6% ở thời điểm hiện tại lên 10% trong tương lai gần. Các thông tin về việc công ty quan tâm đến lĩnh vực xe điện đã giúp cổ phiếu của hãng đạt kỷ lục vào tháng 3, tăng hơn 15% so với đầu năm và là mức cao nhất trong vòng 4 năm qua.
Thực tế, Foxconn cũng đã cung cấp các linh kiện và thiết bị điện tử cho nhiều nhà sản xuất ôtô điện và ôtô truyền thống, trong đó có Tesla, BMW. Các sản phẩm hãng sản xuất khá đa dạng, từ màn hình cảm ứng, chip điều khiển, bảng mạch cho đến các bộ phận cơ khí và nhựa.
Gần đây, Foxconn ký nhiều hợp đồng hơn liên quan đến lĩnh vực ôtô điện. Công ty bắt tay với Stellantis, chủ sở hữu của Fiat và Chrysler, để phát triển phần mềm buồng lái. Hãng cũng liên doanh với hãng ôtô Geely của Trung Quốc để bán các dịch vụ sản xuất và tư vấn liên quan đến hệ thống truyền động thông minh, nền tảng phần mềm và thậm chí là toàn bộ xe.
Foxconn đang chạy đua để nâng cao chuyên môn về phần mềm - điểm yếu của hãng. FIH Mobile, công ty từng sản xuất điện thoại Android của Foxconn, đang được đầu tư nhiều tiền hơn để làm điều này. Ngoài ra, hãng cũng mua một công ty bán dẫn Đài Loan để kiểm soát việc cung cấp chip cần thiết cho xe điện.
Theo ước tính của Foxconn, doanh thu từ linh kiện ôtô (không bao gồm màn hình hiển thị cho xe) có thể vượt 359 triệu USD trong năm nay, tăng 40% so với năm ngoái. Con số này khá nhỏ so với 178,5 tỷ USD doanh thu của toàn bộ công ty, nhưng đáng ghi nhận ở một lĩnh vực còn mới như mảng ôtô.
"Doanh thu hiện tại của Foxconn chủ yếu là từ việc cung ứng các bộ phận cơ khí và nhựa, nhưng chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi hoạt động sang cấp độ hệ thống và mô-đun, đồng thời bắt đầu chế tạo toàn bộ chiếc xe trong tương lai gần", Liu nói trong một hội nghị với các nhà đầu tư đầu tháng 8.
Trong nhiều thập kỷ, các công ty ôtô thông thường cạnh tranh bằng việc đổ tiền vào sản xuất động cơ, hộp số và hệ thống truyền động phức tạp. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc chế tạo một chiếc xe điện ít phức tạp hơn. Đây cũng là lý do mà lĩnh vực xe điện đang thu hút rất nhiều công ty khởi nghiệp trên toàn cầu thử sức.
Không chỉ startup, những ông lớn công nghệ như Xiaomi, Apple, Baidu, Huawei... đều đã có các kế hoạch gia nhập lĩnh vực xe điện. Tuy nhiên, cơ hội lớn nhất mà Foxconn có được có thể sẽ đến từ Apple. Foxconn hiện lắp ráp hơn 60% iPhone trên toàn cầu, được dự đoán là ứng cử viên sản xuất ôtô chính của Apple.
Tuy vậy, Foxconn có thể sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Các công ty chuyên gia công lắp ráp khác như Quanta Computer và Pegatron cũng đang cung cấp thiết bị điều khiển điện tử cho các nhà sản xuất ôtô và xe điện truyền thống. Delta Electronics, nhà cung cấp giải pháp quản lý điện năng hàng đầu thế giới, đã tập trung vào hệ thống quản lý nguồn, sạc, nhiệt và động cơ cho xe điện trong hơn 10 năm qua.
Các chuyên gia cho rằng, việc Foxconn tham gia chế tạo một chiếc ôtô hoàn chỉnh có thể là chiến lược mạo hiểm. "Tạo ra xe điện có thể đơn giản hơn một chiếc ôtô truyền thống, nhưng phức tạp hơn nhiều so với sản xuất iPhone", một chuyên gia nhận xét. "Để có một mẫu xe điện lưu thông trên đường, độ an toàn của chúng phải đặt lên trên hết và điều này cần rất nhiều quá trình tử nghiệm. An toàn của ôtô là vấn đề sinh tử".
Sanshiro Fukao, thành viên cấp cao của Viện nghiên cứu Itochu, thậm chí nói rằng Foxconn đang không hiểu cách hoạt động của ngành công nghiệp xe điện. "Một nhà sản xuất ôtô thực tế cần phải có đủ năng lực để kết hợp các thành phần lại với nhau, đồng thời phải đảm bảo độ an toàn khi vận hành. Foxconn nghĩ họ có thể kết hợp với các nhà cung ứng cấp 2 để hoàn thiện xe, nhưng điều đó không đúng", Fukao nói.
Raymond Tsang, nhà phân tích của công ty tư vấn Bain & Co, cho rằng độ phức tạp khi sản xuất ôtô điện lớn hơn hẳn điện thoại. "Với các nhà sản xuất xe hơi, họ phải cung cấp nhiều tùy chọn hơn cho khách hàng. Khách có thể đặt hàng các màu cụ thể, nội thất... do đó dây chuyền sản xuất ô tô điện cũng cần linh hoạt hơn để thích ứng. Nó khác với dây chuyền sản xuất điện thoại vốn được tiêu chuẩn hóa", Tsang nhận xét.
Ngoài ra, một số chuyên gia khác cũng cho rằng Foxconn cần phải sản xuất được một chiếc xe đủ tốt, nhiều công nghệ và tính năng để hấp dẫn khách hàng. Điều này cũng sẽ giúp tăng độ tin cậy, tín nhiệm và vị thế công ty trước các đối tác lớn như Apple.
Bảo Lâm (theo Nikkei Asia)