Thông tin trên được Chánh án Nguyễn Hòa Bình báo cáo chiều 15/10, tại buổi làm việc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với Ban cán sự Đảng TAND Tối cao.
Chủ tịch nước ghi nhận cố gắng của hệ thống tòa án khi khắc phục khó khăn của dịch bệnh, đảm bảo các chỉ tiêu Quốc hội giao trong công tác xét xử, giải quyết các vụ án. Sau mỗi phiên tòa, niềm tin của người dân vào hệ thống tư pháp có nâng cao hay không phụ thuộc rất nhiều vào thẩm phán.
Ngược lại, ngành tòa án cần rút kinh nghiệm vì có một số vụ "gây dư luận xã hội", ảnh hưởng niềm tin của nhân dân. Ngoài ra, trong ngành còn tồn tại "một bộ phận rất nhỏ thẩm phán" có trình độ, trách nhiệm, năng lực hạn chế.
Ngành toà án cần xây dựng tòa án điện tử, tổ chức xét xử trực tuyến để tạo điều kiện cho người dân dễ tham dự phiên tòa, không chỉ trong Covid-19 mà cả về sau. "Chúng tôi rất mong xét xử trực tuyến", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Thay mặt Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định hệ thống tòa án sẽ quán triệt cải cách tư pháp thời gian tới nhưng mong "có sự ủng hộ của các bộ ngành bởi nếu không hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau sẽ khó thực hiện".
Ngành sẽ xây dựng tòa án điện tử, giúp quản trị về "con người, án từ, tài chính" đồng thời cung ứng các dịch vụ công cho người dân.
Một số hoạt động tố tụng sẽ được tiến hành online như xét xử trực tuyến vụ án, hòa giải trực tuyến... Đề án xét xử trực tuyến đang hoàn tất thủ tục để báo cáo Quốc hội vào ngày 27/10.
Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo vào làm việc, TAND Tối cao đang kết hợp với một tập đoàn công nghệ để xây dựng "trợ lý ảo" cho các thẩm phán và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2022.
"Trợ lý ảo" sẽ cung cấp hệ thống pháp lý từ luật đến thông tư và sẽ đưa ra gợi ý với từng vụ việc phải áp dụng những quy định nào. Nếu được nạp dữ liệu về vụ án, "trợ lý ảo" có khả năng đề xuất tới thẩm phán nên xử theo tội danh nào.
Song Minh