Chiều 21/9, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua đề xuất của TAND Tối cao về tổ chức phiên tòa trực tuyến. Đây được cho là bước đi cần thiết cho việc xây dựng tòa án điện tử, tòa án số, tiến tới xây dựng tòa án thông minh.
Phiên tòa trực tuyến cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác không nhất thiết phải có mặt tập trung tại một phòng xử án nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi và tham gia mọi diễn biến. Việc này áp dụng trong xét xử sơ thẩm, phúc thẩm án hình sự, hành chính, dân sự. Nhưng trước mắt là các vụ không phức tạp về chứng cứ và nghĩa vụ chứng minh, có sự đồng thuận của các chủ thể tham gia.
Mỗi phiên tòa tối đa không quá ba điểm cầu; đều "phải được ghi âm, ghi hình có âm thanh".
Theo Phó Chánh án TAND Tối cao, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã mang lại nhiều cơ hội nâng cao hiệu quả hoạt động quản trị quốc gia và thực thi công lý trên thế giới. Việt Nam đã có một số quy định về tố tụng điện tử, tố tụng trực tuyến, tạo cơ sở bước đầu cho tổ chức phiên tòa trực tuyến. Trong đó, Bộ luật Tố tụng hình sự đã bổ sung nguồn chứng cứ là dữ liệu điện tử. Bộ luật Tố tụng dân sự và Luật Tố tụng hành chính cho phép thu thập chứng cứ là dữ liệu điện tử; thực hiện các thủ tục tố tụng cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng bằng phương tiện điện tử. Các đạo luật này cũng cho phép tổ chức phiên tòa ngoài trụ sở tòa án.
"Thực tiễn thời gian qua, một số phiên tòa đã cho luật sư, bị hại, người làm chứng... tham gia phiên tòa tại phòng cách ly hoặc phòng khác với sự hỗ trợ của các thiết bị điện tử", ông Tuệ cho hay.
Bên cạnh đó, Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều tỉnh, thành phải cách ly toàn xã hội cũng làm ảnh hưởng đến hoạt động xét xử của tòa án. Nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử; một số vụ bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch.
Việc xét xử trực tuyến sẽ giúp các vụ án được giải quyết theo đúng thời hạn; bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. "Phiên tòa trực tuyến là nhu cầu, xu hướng tất yếu của hoạt động tư pháp", ông Tuệ nhấn mạnh.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm, TAND Tối cao mới xin phép Thường vụ Quốc hội về chủ trương; sau đó cùng nhiều cơ quan sẽ nghiên cứu, xây dựng Quy chế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Thường trực Ủy ban Tư pháp tán thành chủ trương đề xuất của TAND Tối cao. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng để bảo đảm đầy đủ căn cứ pháp lý, nội dung cho phép tổ chức phiên tòa trực tuyến cần được quy định trong Nghị quyết khi Quốc hội họp kỳ thứ 2, khai mạc 20/10.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng đồng ý sự cần thiết tổ chức phiên tòa trực tuyến vì "thế giới đã làm rồi". Tuy nhiên, ông Huệ cho hay luật hiện hành quy định "việc xét xử bằng lời nói và phải được tiến hành tại phòng xử án". Nhấn mạnh đây là vấn đề liên quan đến Hiến pháp, quyền của công dân, Chủ tịch Quốc hội đề nghị báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương và trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, xét xử trực tiếp là nguyên tắc tư pháp được quy định ở mọi quốc gia. Nhiều nước dù vậy vẫn áp dụng song song hai hình thức. "Trực tiếp hay trực tuyến đều phải đảm bảo quyền con người, và phải làm cho đúng. Như vậy, trực tiếp hay trực tuyến không có gì trái nhau".
Theo người đứng đầu ngành toà án, "trước sau gì Việt Nam cũng phải có thêm hình thức xét xử trực tuyến". Trước mắt do tình hình dịch bệnh, nhiều vụ án không thể xét xử nên ông đề nghị Đảng đoàn Quốc hội sớm báo cáo Bộ Chính trị cho chủ trương, để trình Quốc hội ban hành Nghị quyết.