Trao đổi với VnExpress, Chánh án TAND TP HCM Lê Thanh Phong cho biết toà đã chủ động đề xuất TAND Tối cao nghiên cứu, ra dự thảo quy chế về tổ chức phiên họp, phiên tòa trực tuyến. Điều này xuất phát từ thực tiễn Covid-19 diễn biến phức tạp và kéo dài đã ảnh hưởng đến công tác xét xử. Nhiều án tồn, quá hạn chưa được giải quyết.
"Đây là vấn đề gấp quá rồi. Chúng tôi rất mong chờ dự thảo được thông qua để có cơ sở pháp lý thực hiện. Chỉ cần có văn bản chỉ đạo của Tòa Tối cao, thành phố có thể áp dụng ngay", ông Phong nói.
TAND TP HCM đã chuẩn bị cơ sở vật chất, phòng, đường truyền. Khi tham gia phiên họp, phiên tòa trực tuyến, tòa sẽ cấp cho những người tham gia tố tụng đường dẫn. Đương sự, người liên quan... không cần phải đi lại tốn kém thời gian, tiền bạc. Tuy nhiên để thực hiện được, toà cho rằng cần có sự phối hợp nhiều cơ quan và cả những người tham gia tố tụng khác...
Tòa cấp quận, huyện với hệ thống đường truyền, cơ sở vật chất tốt có thể triển khai ngay, nếu chưa sẽ chuẩn bị thêm song việc này không tốn nhiều thời gian, ông Phong nói.
Một phó chánh án TAND TP Thủ Đức (TP HCM) cũng cho rằng, việc triển khai hình thức xét xử này không khó, "có thể làm ngay". Thời gian qua, do Covid-19, VKSND Tối cao đã lấy cung dưới hình thức trực tuyến. Một số vụ án, tuy xét xử tập trung nhưng có sử dụng đường truyền tới nhiều điểm cầu. Hình thức xét xử trực tuyến hay tổ chức họp trực tuyến cũng tương tự.
Theo ông, việc xét xử trực tuyến sẽ giúp tăng cường sự giám sát của dư luận xã hội với công tác xét xử, giúp các phán quyết được công khai, minh bạch. Với chủ trương xây dựng tòa án điện tử, TAND Tối cao đã có lộ trình xây dựng, cung cấp hệ thống mạng và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, cho hệ thống tòa án trên cả nước.
Thẩm phán Quảng Đức Tuyên, Phó chánh án TAND Cấp cao tại TP HCM, cho rằng với tòa án cấp tỉnh, thành phố, quận huyện, việc áp dụng hình thức xét xử trực tuyến "không quá khó khăn". Cấp phúc thẩm do đặc thù riêng còn phụ thuộc vào điều kiện, sự chuẩn bị của nhiều cơ quan, nhiều địa phương. Do đó, tòa cấp cao cần thí điểm và có sự chuẩn bị kỹ hơn.
Trước đó, ngày 26/8, tại Phiên họp thứ 13 Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến là tất yếu, cần thiết trong bối cảnh Covid-19 đang đe dọa nghiêm trọng đời sống nhân dân.
TAND Tối cao cũng đã hoàn thiện dự thảo Quy chế tổ chức phiên tòa, phiên họp trực tuyến để trình Uỷ ban Thường vụ xem xét. Việc xét xử trực tuyến dự kiến áp dụng với vụ án hình sự có khung hình phạt dưới 15 năm tù, chứng cứ rõ ràng và bị cáo đang tạm giam; án dân sự, hành chính tình tiết đơn giản, đương sự có địa chỉ cư trú rõ ràng.
Các vụ án không xét xử trực tuyến gồm: liên quan tài sản ở nước ngoài; thuộc trường hợp xử kín hoặc những vụ hình sự liên quan nhóm xâm phạm an ninh quốc gia; liên quan chiến đấu, phục vụ chiến đấu của quân đội; nhóm tội chống lại loài người.
Hải Duyên