Ngày 25/4/2003, thuyền viên trên một tàu cá Trung Quốc hoạt động ngoài khơi tỉnh Sơn Đông phát hiện một chiếc kính tiềm vọng tàu ngầm nổi trên mặt biển và thông báo hiện tượng kỳ lạ này cho quân đội. Cho rằng có tàu ngầm Hàn Quốc hoặc Nhật Bản xâm nhập, hải quân Trung Quốc lập tức điều hai chiến hạm đến hiện trường điều tra, theo SCMP.
Khi các chiến hạm tới nơi, thủy thủ tàu chiến Trung Quốc ngỡ ngàng nhận ra đây là chiếc kính tiềm vọng của một tàu ngầm diesel - điện trong biên chế của họ, đó là tàu ngầm lớp Type 035G Trường Thành mang số hiệu 361. Khi mở được cửa và tiến vào bên trong tàu ngầm ngày 26/4, họ phát hiện toàn bộ 70 người có mặt trên chiếc tàu ngầm xấu số đều gục chết tại vị trí của mình.
Chủ tịch Quân ủy Trung ương kiêm chủ tịch Trung Quốc lúc đó là Giang Trạch Dân ra tuyên bố vào ngày 2/5/2003, thừa nhận tàu ngầm 361 gặp nạn vào ngày 16/4/2003 khi đang tham gia diễn tập. Ông Giang tôn vinh sự hy sinh của các thủy thủ, cho biết chiếc tàu ngầm gặp nạn vì "sự cố kỹ thuật" nhưng không nêu chi tiết.
Tàu ngầm lớp Type 35A thuộc lớp tàu ngầm diesel điện thế hệ thứ hai được thiết kế dựa trên lớp tàu Đề án 633 của Liên Xô. Trung Quốc chế tạo hai tàu ngầm Type 035 đầu tiên vào năm 1975, nhưng chúng rất dễ bị phát hiện so với các tàu ngầm Nga, Mỹ bởi phát ra tiếng ồn rất lớn trong lòng biển. Dù sở hữu nhiều tàu ngầm diesel - điện vào thời điểm đó, Trung Quốc hiếm khi mạo hiểm triển khai chúng ra các vùng biển xa bờ.
Trung Quốc tiếp tục hiện đại hóa lớp tàu Type 35 vào những năm 1990 và trang bị cho chúng ngư lôi dẫn đường Yu-3 cùng hệ thống thủy âm DUUX-5 của Pháp mà sau này Trung Quốc tự sản xuất thiết bị tương tự. Năm 1995, ba tàu ngầm thuộc lớp Type 035A với số hiệu lần lượt từ 359 đến 362 hợp thành lữ đoàn tàu ngầm 12 của Hạm đội Biển Bắc của Trung Quốc, đóng quân tại Liêu Ninh.
Đầu tháng 4/2003, tàu ngầm 361 tham gia cuộc diễn tập hải quân trên biển Bột Hải. Theo dữ liệu hải trình, tàu ngầm 361 vào ngày 16/4 bắt đầu di chuyển trong im lặng từ Trường Đảo về căn cứ tại Uy Hải, tỉnh Sơn Đông. Do tín hiệu liên lạc vô tuyến bị ngắt hoàn toàn trong thời gian tàu lặn dưới nước, hải quân Trung Quốc không hay biết về sự cố mà nó gặp phải cho tới khi phát hiện con tàu trôi tự do ngày 25/4.
Tàu ngầm lớp Type 035G có thủy thủ đoàn 55 người nhưng khi gặp nạn, trên tàu ngầm số hiệu 361 lại có tới 70 người. Hải quân Trung Quốc cho biết 15 người ngoài biên chế này là các nhân viên thuộc Học viện Hải quân, làm dấy lên đồn đoán rằng họ có mặt trên tàu ngầm để quan sát cuộc diễn tập hoặc thử nghiệm thiết bị mới.
Điều đặc biệt là trong số các nạn nhân có Phó đề đốc Trình Phúc Minh, phó giám đốc Học viện Hải quân, người có quân hàm cao hơn so với hạm trưởng tàu ngầm. Sĩ quan giữ quân hàm cao nhất trong biên chế một tàu ngầm Trung Quốc thường là đại tá hải quân, thấp hơn một bậc so với phó đề đốc.
Một tháng sau khi thảm kịch tàu ngầm 361 xảy ra, tư lệnh và chính ủy Hạm đội Biển Bắc của Trung Quốc bị cách chức, 6-8 sĩ quan khác bị giáng cấp hoặc cách chức do "vi phạm trong công tác chỉ huy". Tuy nhiên, Trung Quốc giữ kín kết quả điều tra, không công bố nguyên nhân khiến chiếc tàu ngầm 361 gặp nạn, buộc các chuyên gia quân sự phải đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau.
Một số chuyên gia quân sự cho rằng tàu ngầm 361 gặp nạn khi thử nghiệm hệ thống động cơ đẩy sử dụng không khí độc lập (AIP) để tăng độ bí mật và thời gian lặn dưới mặt nước. Trung Quốc trang bị cho tàu ngầm cùng lớp Type 035G mang số hiệu 308 động cơ AIP để thử nghiệm nhằm tiến tới việc trang bị động cơ này cho tàu ngầm lớp Type 041.
Một số giả thuyết khác cũng được đưa ra như nước biển tràn vào tàu ngầm và phản ứng với axit của ắc quy, tạo ra khí độc clo gây ngạt cho toàn bộ thủy thủ, hoặc tàu ngầm thực hiện bài tập săn ngầm nguy hiểm và gặp nạn do sơ suất của con người.
Tuy nhiên, giả thuyết được nhiều người chấp nhận nhất cho rằng thủy thủ đoàn trên tàu ngầm 361 đã bị chết ngạt do khí thải từ động cơ diesel của con tàu.
Sau một thời gian di chuyển dưới nước bằng động cơ chạy pin, tàu ngầm diesel - điện thường phải nổi lên, chạy động cơ diesel để sạc ắc quy. Trong trường hợp cần giữ bí mật, tàu ngầm có thể di chuyển sát dưới mặt nước và sử dụng ống thở để cấp không khí cho động cơ diesel. Ống thở này có van tự đóng để đề phòng tình huống bị ngập dưới nước.
Đây nhiều khả năng là tình huống xảy ra khi tàu ngầm 361 bí mật di chuyển về cảng trong ngày định mệnh đó. Tờ Phương Nam Nhật báo của Quảng Châu cho biết các quan chức không loại trừ khả năng một thành viên thủy thủ đoàn đã mắc sai lầm chết người khi vô tình đóng van thở của tàu khi động cơ diesel vẫn đang chạy.
Không ai trên tàu ngầm nhận ra sơ suất này và động cơ diesel tiếp tục hoạt động mà không tự ngắt như thiết kế, đốt hết toàn bộ không khí của tàu trong vòng hai phút, khiến 70 người trên tàu gục xuống tại chỗ hôn mê và tử vong do thiếu dưỡng khí.
Chuyên gia Sebastien Roblin của National Interest cho rằng dù với giả thuyết nào, chúng đều bộc lộ những điểm yếu nghiêm trọng trong công tác huấn luyện thủy thủ cũng như trang bị trên các tàu ngầm đời cũ của Trung Quốc.
Nguyễn Tiến