Lúc mang thai 3 tháng đầu tôi có xét nghiệm đường huyết thì không bị tiểu đường. Thời gian gần đây tôi thường ăn nhiều đồ ngọt. Có phải do chế độ ăn uống đã ảnh hưởng làm tăng lượng đường trong nước tiểu không ạ? Bác sĩ nói thai quá to, cân nặng tuổi thai tương đương 33 tuần.
Tôi sợ thai nhi lớn quá sẽ không tốt cho sự phát triển trí não bé. Qua 31 tuần mang thai tôi đã tăng cân 10 kg. Tôi cần phải điều chỉnh chế độ ăn uống như thế nào để thai nhi phát triển bình thường mà bé sinh ra khỏe mạnh. Xin cảm ơn bác sĩ. (Ngọc Hương)
Ảnh: acuhealthcare |
Trả lời:
Bạn Ngọc Hương thân mến,
Tăng cân trung bình của thai phụ trong suốt thai kỳ là từ 12 đến 14 kg. Tăng cân này cũng tùy thuộc vào chỉ số BMI. Nếu người mẹ thuộc loại gầy thì tăng cân nhiều hơn, có thể 15-18 cân. Nếu người mẹ thuộc loại người dư cân mập mạp thì tăng khoảng 8-11 kg là vừa. Không có thông tin cân nặng và chiều cao của bạn trước khi mang thai là bao nhiêu. Tăng cân 10 kg thời điểm 31 tuần tuổi thai có thể là bình thường nếu trước khi mang thai bạn thuộc tạng người gầy, nhưng là nhiều nếu bạn thuộc nhóm dư cân.
Cân nặng ước tính thai nhi 2.130 g ở tuổi thai 31 tuần là có to hơn so với tuổi thai. Trong nước tiểu của bạn có đường, bạn lại ăn nhiều đồ ngọt. Như vậy bạn có những yếu tố nguy cơ đái tháo đường thai kỳ. Cho dù trong 3 tháng đầu thai kỳ, xét nghiệm đường huyết bạn bình thường, nhưng vì những yếu tố nguy cơ trên, bạn nên kiểm tra lại đường huyết khi đói và 2 giờ sau ăn để thăm dò bệnh đái tháo đường thai kỳ. Bạn nên khám thai và dựa vào kết quả xét nghiệm bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể bạn nhé. Điều quan trọng là bạn cần theo dõi cử động thai trong ngày bạn nhé.
BMI = cân nặng (kg)/ bình phương chiều cao (m2). BMI nhỏ hơn 19,8 kg/m2: gầy, nhẹ cân, suy dinh dưỡng. BMI lớn hơn 26kg/m2: dư cân, mập mạp. |
Tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Thu Hà
Phó trưởng khoa Sản A, BV Từ Dũ