Theo phó giáo sư Lê Bạch Mai, Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), thai nghén là một trạng thái sinh lý bình thường nhưng dễ mất ổn định và có thể trở thành trạng thái bệnh lý (tiền sản giật, rau tiền đạo, đẻ khó...). Những người mẹ bị thiếu năng lượng trường diễn từ trước khi mang thai và chế độ dinh dưỡng kém trong thai kỳ dễ sinh ra trẻ nhẹ cận, suy dinh dưỡng.
Tùy theo tình trạng dinh dưỡng (chỉ số khối cơ thể BMI) trước khi có thai của người mẹ, mức tăng cần trung bình được khuyến nghị nên đạt 10-12 kg. Cụ thể, ba tháng đầu nên có thể tăng một kg, ba tháng giữa tăng 4-5 kg, ba tháng cuối 5-6 kg. Với bà mẹ có tình trạng dinh dưỡng trước khi có thai ở mức gầy (BMI dưới 18,5) thì mức tăng cân cao hơn, ngược lại những bà mẹ thừa cân béo phì (BMI từ 25 trở lên) thì mức tăng cân nên thấp hơn so với mức tăng cân trung bình.
Đây là giai đoạn rất quan trọng, thai phụ cần được đánh giá tình trạng dinh dưỡng, theo dõi cân nặng; uống bổ sung sắt và acid folic hoặc đa vi chất theo quy định của y tế, phó giáo sư Mai cho biết.
Phác đồ bổ sung viên sắt/folic cho phụ nữ mang thai
- Uống mỗi ngày một viên trong thời gian có thai đến sau đẻ một tháng. Mỗi viên gồm 60 mg sắt nguyên tố và 400 mcg acid folic.
- Nếu thai phụ thiếu máu, cần được điều trị theo phác đồ.
- Việc cung cấp sắt/acid folic cần được thực hiện ngay từ lần khám thai đầu.
- Kiểm tra viện sử dụng và cung cấp tiếp viên sắt/ acid folic trong các lần khám thai sau.
Dinh dưỡng hợp lý
Điều này giúp khắc phục tình trạng nghén để đạt mức tăng cân phù hợp với tình trạng dinh dưỡng trước khi mang thai (mức bình thường là tăng một kg). Đa số chị em thấy mệt mỏi vì nghén trong những tuần đầu tiên có thể gây khó khăn cho việc tuân thủ chế độ ăn như khuyến cáo. Tuy nhiên chị em nên chọn thực phẩm bổ dưỡng và thực hiện một số điều sau:
- Ăn ít trong mỗi bữa, chia làm nhiều bữa trong ngày.
- Nên mang theo các thức ăn vặt tốt cho sức khỏe như trái cây, các loại hạt, sữa để có thể ăn vào thời điểm thích hợp nhất.
- Ăn vào cuối ngày nhiều hơn, ăn các thức ăn được ưa thích.
Phó sư Mai cũng lưu ý, chất đạm đặc biệt quan trọng ở 3 tháng đầu cho việc tạo hình và xây dựng các cơ quan, tổ chức của thai như tuỷ sống, não, tim, phổi, gan và nhất là tế bào thần kinh... Chị em cần tăng cường các thực phẩm giàu đạm như: trứng, sữa, thịt, đậu đỗ và chia lượng ăn trong ngày thành nhiều bữa nhỏ để bớt cảm giác nghén.
Bài yoga giúp thai phụ khỏe khoắn