Trả lời:
Tiêm vaccine là cách phòng ngừa bệnh viêm gan B hiệu quả nhất hiện nay. Vợ chồng bạn đã nhiễm bệnh, vaccine phòng viêm gan B không còn hiệu quả, vì vậy không nên chủng ngừa. Gia đình có thể tiêm dự phòng các tác nhân khác như viêm gan A nhằm tránh nguy cơ diễn tiến nặng và tử vong.
Vợ bạn đang mang thai 5 tháng, nguy cơ lây nhiễm viêm gan B cho bé khoảng 10%. Giai đoạn ba tháng cuối thai kỳ, tỷ lệ lây nhiễm từ mẹ sang con lên tới 60-70%, đến 90% ở giai đoạn chuyển dạ.
Để phòng ngừa lây bệnh cho con, trong các tháng mang thai tiếp theo, vợ bạn cần phải ăn uống đủ chất dinh dưỡng, khám thai, điều trị viêm gan B theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ để giảm nồng độ virus. Điều này cũng góp phần hạn chế sự lây nhiễm virus từ mẹ sang bé trong tử cung khi quá trình chuyển dạ bắt đầu.
Tiếp theo, trẻ cần được tiêm huyết thanh và vaccine ngay sau khi vừa chào đời. Huyết thanh có hiệu quả tốt nhất khi tiêm trong 6 giờ đầu, vaccine hiệu quả tốt nhất trong 24 giờ đầu. Các mũi tiêm có thể phòng 85-90% khả năng lây truyền virus từ mẹ sang con. Hiệu quả phòng bệnh giảm dần và không còn tác dụng nếu tiêm càng muộn. Sau đó, trẻ cần tiêm các mũi vaccine phối hợp có thành phần phòng viêm gan B vào các tháng 2, 3, 4 và mũi nhắc lại lúc 16-18 tháng tuổi.
Cuối cùng, bé cần được theo dõi tình trạng bệnh thông qua xét nghiệm huyết thanh học khi 9-12 tháng tuổi hoặc sau khi tiêm đủ phác đồ 1-2 tháng. Việc này nhằm đánh giá tình trạng sức khỏe, đồng thời biết cơ thể có kháng thể với bệnh ở mức độ nào để bổ sung thêm các mũi vaccine phù hợp.
Theo Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), viêm gan B có gánh nặng bệnh tật lớn đối với cộng đồng. Đây đồng thời là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh ung thư gan, xơ gan. Việt Nam là quốc gia nằm trong vùng lưu hành dịch tễ cao của virus viêm gan B.
Bác sĩ Hoa Tuấn Ngọc
Quản lý Y khoa vùng 1 miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC
Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine tại đây để bác sĩ trả lời.