Thái Lan đã phải vật lộn để khống chế số ca nhiễm gia tăng trong nhiều tháng, khắc phục việc triển khai vaccin chậm chễ, đồng thời nỗ lực ngăn chặn sự mất kiên nhẫn của người dân vào nền kinh tế đang suy sụp.
Sự thay đổi chiến lược ở nước này, từ pháo đài chống dịch, đến xác định sống chung với virus để khôi phục kinh tế, cũng là câu chuyện của nhiều quốc gia đang phát triển khác. Trong khi phương Tây đang tiêm chủng nhanh chóng và dần đưa cuộc sống trở lại bình thường thì các nước này vẫn khủng hoảng trên nhiều phương diện.
Hôm 16/6, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cam kết sẽ mở cửa đất nước trong 120 ngày tới hoặc vào giữa tháng 10, dỡ bỏ hầu hết các hạn chế đối với kinh doanh và du lịch. Du khách nước ngoài có thể nhập cảnh và đi lại tự do với điều kiện phải tiêm phòng. Theo ông Prayuth Chan-ocha, điều này đồng nghĩa Thái Lan chấp nhận tỷ lệ lây nhiễm cao hơn, nhưng đây là bước cần thiết để hỗ trợ sinh kế cho người dân.
Năm 2020, nền kinh tế Thái Lan suy giảm 6,1% - mức giảm mạnh nhất trong hai thập kỷ. Các chuyên gia dự đoán nền kinh tế sẽ phục hồi trong năm nay, nhưng làn sóng Covid-19 mới đã làm giảm kỳ vọng.
Đến giữa tháng 12/2020, Thái Lan ghi nhận tổng cộng chưa đến 5.000 ca nhiễm. Nay, con số đã vượt mức 200.000. Trong hơn một tháng, số ca nhiễm mỗi ngày lên tới hàng nghìn ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 hiện chạm mốc 1.550, so với 63 trường hợp vào đầu năm 2021.
Một nghiên cứu của cơ quan y tế Thái Lan cho thấy biến thể Alpha (được phát hiện lần đầu tiên ở Anh) đang chiếm ưu thế trong các ca nhiễm gần đây. Trong số 4.185 bệnh nhân được khảo sát từ tháng 4 đến tháng 6, hơn 88% nhiễm biến thể Alpha. Đợt bùng phát gần đây bắt nguồn từ các hộp đêm, sau đó lan sang các tỉnh khác, lây nhiễm cho công nhân trong các nhà máy đông đúc.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta không nên chờ đợi. Các doanh nghiệp phải đóng cửa, những người bồi bàn đã không được đi làm trong nhiều tháng. Chúng ta không thể chờ đợi lâu hơn nữa", theo ông Sa-nga Ruangwattanakul, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đường Khaosan - đơn vị đại diện cho ngành dịch vụ của một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất Bangkok.
Chính phủ sẽ thí điểm kế hoạch mở cửa thiên đường du lịch Phuket vào ngày 1/7, cho phép người nước ngoài đã tiêm phòng đầy đủ từ các quốc gia có nguy cơ thấp đến nghỉ dưỡng mà không cần cách ly.
Chưa đến 3% trong số 70 triệu người dân Thái Lan được tiêm chủng đầy đủ - một trong những tỷ lệ thấp nhất ở Đông Nam Á. Việc tiêm phòng bắt đầu vào tháng 2, nhưng chương trình tiêm chủng đại trà mới chỉ bắt đầu vào đầu tháng 6.
Thái Lan đang phụ thuộc rất nhiều vào vaccine trong nước, được sản xuất bởi Siam Bioscience và AstraZeneca. Theo AstraZeneca, nhà sản xuất Thái Lan dự kiến sẽ cung cấp hơn 60 triệu liều vaccine cho chính quyền Thái Lan và 200 triệu liều cho các nước khác trong khu vực.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất bắt đầu một cách chậm chạp. Một phát ngôn viên của AstraZeneca cho biết kế hoạch cung cấp vaccine được điều chỉnh do vaccine Thái Lan cần trải qua bài kiểm tra chất lượng.
Đất nước đang nỗ lực mua thêm vaccine để đa dạng hóa nguồn cung trong những tháng gần đây. Khoảng 7.000 tổ chức, gồm công ty tư nhân và cơ quan cấp tỉnh đã tìm kiếm nguồn vaccine thay thế.
Quá trình tiêm chủng trở nên phức tạp hơn do quá nhiều người đặt lịch tiêm vaccine qua các ứng dụng, dẫn đến tình trạng quá tải tại một số điểm tiêm phòng. Một tuần sau khi chiến dịch bắt đầu, nhiều cuộc hẹn đã phải tạm hoãn tại hàng chục trung tâm.
Trong bài phát biểu hôm 16/6, Thủ tướng Prayuth cho biết chương trình vaccine đang đi đúng hướng và chính phủ đặt mục tiêu triển khai khoảng 10 triệu liều mỗi tháng, bắt đầu từ tháng 7.
Tanawan Meethum, chủ một tiệm massage ở Bangkok đã nghỉ làm hơn tám tháng, cho biết: "Chúng tôi muốn tiêm vaccine để mọi người có thể ra ngoài và khách du lịch cảm thấy an toàn khi đến Thái Lan. Chỉ khi đó chúng tôi mới có thể tiếp tục kiếm sống".
Mai Dung (Theo WSJ)