Đây là câu chuyện chung của nhiều quốc gia có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch. Họ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn: giải cứu ngành du lịch đang điêu đứng sau 18 tháng đại dịch hoành hành, đồng thời đề phòng nguy cơ bùng dịch do mở cửa biên giới.
Maldives và Seychelles là hai ví dụ. Những thiên đường du lịch nhiệt đới này đã chứng kiến đợt gia tăng ca nhiễm kỷ lục sau khi mở cửa biên giới, dù đã tiêm chủng khoảng 70% dân số. Trong khi đó, với tốc độ hiện tại, Thái Lan phải mất gần một năm để đạt mức tiêm chủng đó.
Trước đại dịch, du lịch chiếm 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Thái Lan, gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Covid-19 đã ảnh hưởng tới hơn 7 triệu người lao động của ngành du lịch, từ những người bán thức ăn trên phố tới tài xế taxi, người dọn phòng khách sạn và hướng dẫn viên du lịch. Một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của nước này đã cạn kiệt vì Covid-19.
Thực trạng đáng lo ngại khiến quyết định mở cửa biên giới trở thành "rủi ro có tính toán" đáng để chính phủ đánh cược. Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha tháng trước nói "Thái Lan không thể đợi tới khi mọi người được tiêm chủng đầy đủ hay thế giới không còn virus", khi công bố kế hoạch mở cửa vào ngày 14/10. Ông thêm rằng dù số ca nhiễm có thể tăng, họ vẫn cần cân nhắc "nhu cầu kinh tế của người dân".
"Chúng tôi không thể đóng cửa biên giới, đặc biệt ở nơi có quy mô dân số lớn như châu Á", Bill Barnett, giám đốc điều hành công ty tư vấn khách sạn C9 Hotelworks Ltd có trụ sở ở Phuket, Thái Lan, nói. "Đây là những nền kinh tế tự cung tự cấp và họ không thể sống trong tình trạng này lâu dài".
Để tạo tiền đề cho mở cửa du lịch rộng rãi hơn vào tháng 10, Thái Lan cho phép du khách đã tiêm chủng có thể tới đảo nghỉ dưỡng Phuket từ tháng này mà không cần cách ly. Tới ngày 13/7, hơn 5.400 người đã đến hòn đảo, trong đó 10 trường hợp dương tính với nCoV.
Bản thân Thủ tướng Prayuth cũng phải tự cách ly ở nhà một tuần sau khi tiếp xúc gần với một người nhiễm nCoV tại sự kiện mở cửa du lịch Phuket.
Thái Lan báo cáo trung bình 7.600 ca nhiễm mới mỗi ngày trong tuần qua, nhiều hơn tổng số ca ghi nhận trong năm 2020. Số ca nhập viện tăng vọt, trong khi số người chết vì Covid-19 liên tục vượt mức kỷ lục kể từ ngày 27/6.
Ngân hàng trung ương Thái Lan cho biết có thể phải hủy bỏ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 do tình hình dịch ngày càng nghiêm trọng. Một nhóm doanh nghiệp tư nhân chủ chốt gần đây hạ mức ước tính tăng trưởng xuống còn 0-1,5%.
Nhiều nước khác cũng đang mở cửa du lịch để tìm cách phục hồi nền kinh tế, bất chấp dịch bùng phát. Sri Lanka tuần trước nới lỏng yêu cầu kiểm dịch để hồi sinh ngành du lịch, vốn chiếm 5% GDP trước đại dịch. Nước này cho phép hầu hết du khách đã tiêm chủng nhập cảnh và chỉ cần cách ly một ngày trong khi chờ đợi kết quả xét nghiệm Covid-19. Sau đó, họ có thể tới các khách sạn và các địa điểm đã được phê duyệt.
Giới chuyên gia y tế cảnh báo việc khởi động lại ngành du lịch trong bối cảnh biến chủng Delta hoành hành và xét nghiệm, tiêm chủng hạn chế có thể làm trầm trọng thêm thiệt hại kinh tế về lâu dài.
"Với một đợt bùng phát kéo dài, con người sẽ chứng kiến những tác động kinh tế - xã hội tồi tệ nhất", Thira Woratanarat, phó giáo sư khoa y Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói. "Vấn đề là phần lớn người dân không thể ứng phó được vì nguồn lực cạn kiệt".
Các điểm nóng du lịch khác cũng đang vật lộn với đợt bùng phát mới sau khi mở cửa, buộc họ phải siết chặt kiểm soát đầu vào. Quần đảo Virgin của Anh, bắt đầu đón khách từ tháng 12 năm ngoái, tuần này yêu cầu tất cả du khách phải xét nghiệm và cách ly ngay khi đến nơi cho đến khi có kết quả âm tính.
Giống Thái Lan, du lịch chiếm khoảng 1/5 GDP của Hy Lạp trước đại dịch. Quốc gia này đã dỡ bỏ hầu hết hạn chế trước mùa du lịch cao điểm ở châu Âu trong hè này. Hy Lạp cũng chấp nhận cho du khách Trung Quốc, những người tiêm vaccine nội địa hoặc vaccine Nga mà Liên minh châu Âu (EU) chưa phê duyệt sử dụng, được nhập cảnh. Động thái này đã vấp nhiều chỉ trích từ lãnh đạo các nước, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Hy Lạp đã siết một số biện pháp hạn chế, gồm cấm người chưa tiêm chủng tới quán bar, rạp chiếu phim và rạp hát, sau khi số ca nhiễm tăng vọt vào cuối tháng 6 do biến chủng Delta.
Phó giáo sư Thira cho rằng quyết định mở cửa trở lại vội vàng của Thái Lan có thể là chất xúc tác cho một đợt bùng phát khác.
"Khi dịch bệnh tiếp tục bùng phát, giữa lúc ngân sách và nguồn lực cạn kiệt, Thái Lan có thể buộc phải nới lỏng tất cả biện pháp hạn chế và số ca nhiễm sẽ tăng lên. Đây là kịch bản tệ nhất", ông nói.
Thanh Tâm (Theo Bloomberg)