Bộ Quốc phòng Nga hôm 3/7 thông báo quân đội nước này và phe ly khai đã "giải phóng Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR)" sau khi kiểm soát hoàn toàn thành phố Lysychansk và các thị trấn, làng mạc xung quanh. Quân đội Ukraine sau đó cũng xác nhận đã rút toàn bộ lực lượng khỏi Lysychansk để "bảo toàn mạng sống cho binh sĩ".
Giới chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng Lysychansk là một chiến thắng quan trọng với Nga, giúp lực lượng này hoàn thành kiểm soát tỉnh Lugansk và tái củng cố lực lượng để chuẩn bị cho một chiến dịch mới. Từ bàn đạp ở Lysychansk, Nga sẽ đẩy tiền tuyến về phía tây và nam, tập trung vào Donetsk, hướng tới mục tiêu kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass, nơi có nhiều mỏ khoáng sản và đất đai canh tác rộng lớn.
Chiến thắng này giúp Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng lần đầu tiên kiểm soát toàn bộ lãnh thổ mà lực lượng ly khai này vạch ra kể từ khi tuyên bố tách khỏi Ukraine năm 2014.
Phe ly khai miền đông Ukraine tuyên bố thành lập LPR và Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng từ năm 2014. Trong 8 năm giao tranh với quân đội chính phủ Ukraine sau đó, hai bên lâm vào thế cầm cự và không mở chiến dịch tiến công nào lớn dọc theo tiền tuyến dài gần 400 km.
Điều này thay đổi kể từ khi Nga công nhận độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng ngày 22/2 và mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine hôm 24/2.
LPR và DPR đóng vai trò quan trọng với nỗ lực hậu cần của Nga tại miền đông Ukraine. Dân quân ly khai cũng tham gia các chiến dịch tiến công, đồng thời hỗ trợ Moskva kiểm soát các thị trấn ở miền đông và nam Ukraine trong hơn 4 tháng chiến sự.
Lực lượng Ukraine trong tháng qua đạt một số thành quả chiến thuật trong nỗ lực phản công ở thành phố Kharkov và Kherson, nhưng việc hai thành phố cuối cùng của tỉnh Lugansk là Severodonetsk và Lysychansk lần lượt thất thủ đã khiến họ đối mặt với những thách thức rất lớn trong thời gian trước mắt.
Để chiếm được Lysychansk và Severodonetsk, lực lượng Nga đã tiến quân từ nhiều hướng, dần khép vòng vây với quân đội Ukraine và khiến nỗ lực phòng thủ của họ trở nên vô vọng vào cuối tháng 6.
"Tiếp tục cố thủ ở thành phố sẽ chỉ dẫn đến hậu quả thương vong nặng nề. Để bảo toàn mạng sống cho binh sĩ, quyết định rút quân đã được đưa ra", Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine ra thông báo giải thích về quyết định từ bỏ Lysychansk.
Các chuyên gia phân tích quân sự phương Tây cho rằng chiến thuật tận dụng tối đa hỏa lực pháo binh của Nga đã khiến nỗ lực cố thủ trong đô thị của Ukraine thất bại. Khi mọi công trình phòng thủ đều bị đạn pháo phá hủy với mật độ oanh kích dày đặc, lính Ukraine không còn bất cứ điểm tựa nào để bám trụ chiến đấu.
Giới quan sát cảnh báo rằng sau khi củng cố vị thế tại Lugansk, Nga sẽ áp dụng chiến thuật tương tự để "nghiền nát" lực lượng Ukraine bám trụ tại các thành phố còn lại ở tỉnh Donetsk trong những tháng tới.
Izyum, thành phố gần Kharkov hiện do Nga kiểm soát, được cho là sẽ đóng vai trò không nhỏ trong kế hoạch tác chiến tiếp theo của lực lượng nước này.
Nga nhiều khả năng sẽ bổ sung quân số, khí tài cho những đơn vị chịu thương vong do chiến dịch tại Lugansk. Sau khi củng cố lực lượng, Nga sẽ bắt đầu đợt tấn công mới, nhắm vào trung tâm chiến lược của quân đội Ukraine ở thành phố Bahkmut, phía nam Lysychansk.
Một số quan chức quân đội Ukraine thừa nhận Nga đang nắm ưu thế vượt trội về nhiều mặt, như pháo binh và không quân, cũng như nhân lực và dự trữ đạn dược. Họ nhận định chiến dịch tấn công Bakhmut sẽ bắt đầu từ thị trấn Popasna phía đông, trong khi quân Nga ở hướng bắc và tây sẽ cầm chân lực lượng Ukraine tại thành phố này.
Quân đội Nga cũng có thể mở các mũi tiến công mới bao vây hai thành phố công nghiệp lớn của tỉnh Donetsk gồm Sloviansk và Kramatorsk, nằm cách Lysychansk khoảng 80 km. Hai thành phố đã hứng chịu các đợt pháo kích, không kích dữ dội suốt nhiều tháng qua.
Nếu Sloviansk và Kramatorsk thất thủ, Nga sẽ kiểm soát hoàn toàn vùng Donbass và hoàn thành một trong những mục tiêu chiến lược lớn nhất được đề ra trong chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, củng cố được hành lang trên bộ giữa lãnh thổ Nga và bán đảo Crimea.
Thomas Gibbons-Neff, bình luận viên của NY Times, cho rằng sau hơn 4 tháng giao tranh, cả hai bên đã mất hàng nghìn binh sĩ, xe tăng, thiết giáp và pháo. Dù tiếp nhận lượng lớn vũ khí phương Tây, Ukraine vẫn bị áp đảo về hỏa lực trên chiến trường, trong khi lực lượng Nga nhiều khả năng cũng mệt mỏi sau các chiến dịch liên tiếp ở Severodonetsk và Lysychansk.
"Tuy nhiên, chiến lược bào mòn sinh lực Ukraine bằng hỏa lực pháo binh dữ dội của Nga để tạo đà tiến trên thực địa không có dấu hiệu dừng lại", Gibbons-Neff nhận định.
Vũ Anh (Theo NY Times)