Tôi đồng cảm với sự chia sẻ của tác giả cùng các anh chị công nhân trong công ty trong bài viết Công nhân công ty tôi xin nghỉ việc, rút BHXH một lần để 'chạy luật' và xin nêu vài ý thế này:
Thứ nhất, rất nhiều người đã phân tích rằng "Bảo hiểm xã hội hướng tới chế độ hưu trí là một chính sách xã hội, không phải là một kênh đầu tư", nên tôi chỉ nhắc lại bản chất của BHXH mà không phân tích thêm. Chế độ hưu trí là lấy thu nhập của người đang lao động trong xã hội để chăm sóc người từng lao động cho xã hội.
Thứ hai, nếu ai đó muốn so sánh lương hưu về mặt trao đổi ngang giá, thì vui lòng so sánh với thu nhập của những người ở độ tuổi hưởng lương hưu, chứ đừng so sánh với thu nhập của người trong độ tuổi lao động. Theo thống kê tiền lương hưu trung bình của người Việt là 5,4 triệu đồng/tháng; còn thu nhập trung bình của người từ 60 tuổi trở lên có được mức này?
Thứ ba, nếu ai đó băn khoăn là tiền lương hưu thấp so với mặt bằng chi tiêu chung của xã hội, thì hãy cùng tôi xem xét tương quan với mức chi tiêu chung của cả nước nhé.
Theo Tổng cục Thống kê, mức chi tiêu đời sống trung bình của người dân Việt Nam năm 2022 là 2,8 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 50% tiền lương hưu trung bình cùng năm. Chi tiết hơn, người dân ở đô thị chi 3,3 triệu đồng (ở nông thôn gần 2,5 triệu đồng), người dân thuộc nhóm giàu nhất chi mỗi tháng khoảng 4,1 triệu đồng (còn nhóm nghèo nhất là 1,3 triệu đồng); các bạn có thể so sánh những con số này với mức lương hưu trung bình 5,4 triệu đồng/tháng.
Nếu ai đó băn khoăn là tiền lương hưu thấp so với mặt bằng thu nhập chung của xã hội, thì vui lòng xem xét tương quan với thu nhập trung bình theo bình quân đầu người của cả nước, chứ đừng so sánh với mức sống ở một vài đô thị.
Số người trên 60 tuổi ở Việt Nam năm 2022 chiếm 12% tổng dân số với khoảng 11,4 triệu người, trong khi đó có đến hơn 51 triệu người lao động, nghĩa là có ba người lao động gánh chịu chi phí chăm sóc một người hết tuổi lao động. Theo thống kê hiện cả nước còn khoảng 8 - 9 triệu người không có lương hưu, trợ cấp hằng tháng. Họ phải tiếp tục lao động để trang trải cuộc sống.
Như vậy, khi một người quyết định rời khỏi chế độ hưu trí, người đó chấp nhận tuổi già của mình giảm hơn một nửa thu nhập, tự bỏ tiền túi ra lo chi phí y tế và chăm sóc sức khỏe, và có nguy cơ phải tiếp tục lao động (dù đã quá tuổi lao động) để duy trì cuộc sống ở mức tối thiểu.
Nếu bạn thật sự quan tâm đến cuộc sống của mình khi hết tuổi lao động (theo luật định), ngay bây giờ hãy quan tâm đến những con số tôi nêu tại ý kiến này.
Trinh Giang Toan
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.