Chia sẻ với CNN vào ngày 4/6, Tiến sĩ Francis Collins, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Mỹ (NIH) cho biết ông hơi lo ngại khi thấy có một sự hoài nghi khá lớn trong cộng đồng người dân nước Mỹ về vaccine Covid-19.
Trước đó, cuộc khảo sát tỷ lệ dân Mỹ đồng ý tiêm vaccine nCoV khi nó hoàn thiện do AP-NORC thực hiện cho kết quả bất ngờ. Số liệu thu về cho thấy chỉ hơn 60% người Mỹ xác nhận sẽ tiêm vaccine. Song vẫn còn phần đông dân số cho biết họ lo ngại về độ an toàn và hiệu quả của vaccine vì quá trình nghiên cứu, thử nghiệm diễn ra quá nhanh. "Chúng tôi sẽ khó vượt qua đại dịch Covid-19 trừ khi phần lớn dân số cuối cùng được miễn dịch", Collins nhận định.
Một số chuyên gia vaccine lo ngại rằng cái tên "Operation Warp Speed" do Tổng thống Mỹ Donald Trump đặt cho chiến dịch phát triển vaccine Covid-19 là "con dao hai lưỡi". Cụm từ "Warp Speed" có thể khiến nhiều người lầm tưởng rằng chiến dịch này coi trọng tốc độ phát triển vaccine hơn là hiệu quả và mức độ an toàn của nó.
"Những người lo lắng rằng chúng tôi đặt yếu tố tốc độ lên trên sự an toàn trong phát triển vaccine Covid-19 chỉ vì cụm từ 'warp speed', tôi muốn đảm bảo với họ rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra. Không một loại vaccine nào được đưa ra thị trường mà chưa trải qua kiểm tra kỹ lưỡng cả về hiệu quả lẫn mức độ an toàn. Một loại vaccine chống lại SARS-CoV-2 rất có thể sẽ xuất hiện trên thị trường vào đầu năm tới. Tôi hy vọng khi đó, người dân nước Mỹ sẽ nắm bắt cơ hội này để bảo vệ chính họ, gia đình và cả những người khác trong cộng đồng, đưa tất cả chúng tay trở lại với trạng thái bình thường", Collins nói.

Những hội nhóm chống lại việc tiêm vaccine có thể gây cản trở cho công cuộc chống dịch tại Mỹ. Ảnh: ABC News.
Trong cộng đồng người dân Mỹ vẫn tồn tại một số hội nhóm với tâm lý chống vaccine. Số thành viên tham gia hội nhóm này có dấu hiệu tăng cao đến mức có hơn 1.200 người mắc bệnh sởi chỉ trong năm 2019. Dù căn bệnh này hoàn toàn có thể được phòng ngừa bằng vaccine.
Tiến sĩ Collins nói thêm, một khi vaccine nCoV được đưa ra thị trường, có thể sẽ cần các biện pháp tuyên truyền hiệu quả. "Có thể chúng tôi sẽ cần số liệu lẫn bằng chứng thực tế để minh chứng độ an toàn và hiệu quả của loại vaccine sắp tới", ông nói.
Cơ quan nghiên cứu và phát triển y sinh tiên tiến của Mỹ, một bộ phận của Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, hiện tài trợ cho nghiên cứu về năm loại vaccine nCoV khác nhau, đều đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) các công ty dược phẩm Moderna và AstraZeneca hiện đã bước qua giai đoạn thử nghiệm lâm sàng vaccine trên người. Một số hãng dược khác như Johnson & Johnson, Sanofi và Merck vẫn đang trong quá trình nghiên cứu.
"Các loại vaccine Covid-19 đang được nghiên cứu trên thế giới được phát triển theo nhiều phương pháp khác nhau, tôi tin rằng ít nhất một, có thể là hai hoặc ba loại trong số đó sẽ cho thấy hiệu quả phòng bệnh mà chúng ta đang hướng đến", Collins cho biết.

Một số "ứng viên" vaccine nCoV đã tiến đến giai đoạn ba của thử nghiệm lâm sàng, tiến hành thử nghiệm trên hàng chục nghìn tình nguyện viên. Ảnh: LA Times.
Ông cũng chia sẻ thêm rằng quá trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba một số loại vaccine tiềm năng với quy mô lớn dự kiến diễn ra trong tháng 7/2020, trên khoảng 30.000 người. Một số người sẽ tiếp nhận vaccine thử nghiệm, số còn lại sẽ được tiêm giả dược (placebo), một mũi tiêm không có tác dụng gì. Tình nguyện viên sau đó có thể sinh hoạt bình thường dưới sự giám sát của các chuyên gia, xem ai trong số họ bị nhiễm nCoV.
Trong trường hợp trong số những loại vaccine đang thử nghiệm có "ứng viên" được cấp phép đưa ra thị trường, Collins cho biết họ có thể cung cấp lên đến 100 triệu liều trong năm 2021. Tuy nhiên những dự đoán trên lại có vẻ lạc quan hơn so với những gì Tiến sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia chia sẻ vào ngày 3/6 với tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ.
Mặt khác, Tiến sĩ Collins dự đoán vaccine nCoV có thể được chia thành hai liều tiêm. "Sẽ tốt hơn nếu chỉ cần một liều là đủ để phòng bệnh vì có thể một số người sau khi tiêm liều đầu tiên sẽ không tiếp nhận liều thứ hai", ông nói.
Vị Tiến sĩ cũng cho biết các thử nghiệm ở giai đoạn ba sẽ xác định được cần tiêm một hay hai liều để hình thành miễn dịch an toàn ở người. Trong trường hợp nếu phải cần đến hai liều tiêm mới đủ sức phòng bệnh, các chuyên gia muốn xác nhận chắc chắn để có biện pháp phù hợp.
"Dù là một hay hai liều, tất cả đều sẽ được thực hiện, thử nghiệm theo đúng trình tự. Là một nhà khoa học, bác sĩ và giám đốc của Viện Y tế Quốc gia, chúng tôi sẽ đưa ra những quyết định này chỉ dựa trên bằng chứng xác thực về các loại vaccine riêng lẻ. Kết quả sẽ không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác có thể khiến mọi người gặp rủi ro", Collins khẳng định.
Thy An (Theo CNN)