"Giá thuê mặt bằng lẽ ra phải giảm do kinh tế khó khăn. Nhưng có những chủ mặt bằng thà để không chứ không chấp nhận giảm giá thuê. Suy nghĩ của họ có khi là sự toan tính không hợp lý bởi tình hình hiện nay.
Một mặt bằng cho thuê trước đây với giá 200 triệu đồng một tháng, nay khách thuê chỉ có thể chấp nhận giá thuê 120 - 150 triệu một tháng. Nếu mặt bằng để trống trong vòng 1 năm, thì chủ mặt bằng mất đến 1,8 tỷ đồng (giá tham khảo 150 triệu đồng một tháng).
Giá thuê cao thì chi phí đổ vào người tiêu dùng. Nhưng hiện nay, khó khăn đủ bề nên người tiêu dùng cũng cắt giảm chi tiêu.
>> Bài toán bát phở đắt hơn 10 nghìn đồng khi thuê mặt bằng
Người kinh doanh hiện tại phải lo toan nhiều trong việc kinh doanh: giá nguyên vật liệu đầu vào tăng, giá thuê mặt bằng tăng, chi phí điện nước tăng, chi phí nhân công không giảm (nhân công chuyên về lĩnh vực kinh doanh ăn uống, thời trang khác với công nhân). Giá bán ra sản phẩm không thể tăng thêm do sự cạnh tranh giữa hình thức bán hàng online".
Độc giả Phuong Vuong trình bày như trên, cho rằng sự khó khăn trong kinh doanh hiện nay bao gồm nhiều yếu tố, phần lớn đến từ giá thuê mặt bằng, đồng thời cho rằng neo giá thuê cao là tính toán chưa hợp lý của các chủ mặt bằng.
Nhận định này được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt mặt bằng ở trung tâm các thành phố lớn tiếp tục bỏ trống, treo biển cho thuê.
Cảm nhận được sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, độc giả Tran Khoi là một người thuê mặt bằng kinh doanh chia sẻ:
"Tôi đã rút cả ba thương hiệu về chung một cửa hàng vì doanh số không sụt giảm, nhưng tỷ lệ khách đến cửa hàng trải nghiệm sản phẩm chỉ còn 10% so với trước đây, 90% còn lại đã chuyển sang mua sắm online.
Cửa hàng vật lý có vị trí đẹp đã không còn quan trọng với ngành nghề của tôi và trở thành một sự lãng phí khi phải duy trì nhiều cửa hàng, trong khi doanh số từ cửa hàng ngày càng giảm. Đầu tư vào quảng cáo, truyền thông hiệu quả hơn rất nhiều.
Tương lai, các vị trí đẹp, lớn có lẽ sẽ chỉ dành cho các thương hiệu kinh doanh thực phẩm (F&B) là chính. Tính cạnh tranh của mặt bằng ngày càng cao hơn và giá cũng sẽ khó phục hồi vì ngành F&B đang cạnh tranh quá khốc liệt".
"Tình trạng này sẽ không tốt cho cả nền kinh tế. Giá thuê quá cao sẽ dẫn đến mất cơ hội cạnh tranh của các ngành nghề khác khi mà nhu cầu thực sự của họ cần vị trí để kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân nhưng lại không thể tiếp cận được", độc giả Henry Tran nói.
Độc giả Dante Trần cho rằng nhiều mặt bằng tại khu vực trung tâm bỏ trống cũng đang làm thay đổi diện mạo đô thị:
"Khi giá thuê ở khu nội đô quá cao, các cửa hàng phải tháo chạy và không có doanh nghiệp mới vào, điều này ảnh hưởng đến bộ mặt chung của thành phố.
Hãy thử nghĩ giữa trung tâm thành phố, khu thương nghiệp nhưng lại đầy rẫy những ngôi nhà trống, không có cửa hàng nào hoạt động. Ngay cả người có tiền cũng sẽ không thuê một khu phố đìu hiu như thế. Hệ lụy kéo theo là khu vực đó dần trở thành khu bỏ hoang sau vài năm.
Giá thuê quá cao đang 'giết chết' văn hóa địa phương. Chỉ những tập đoàn siêu giàu mới đảm bảo được chi phí. Còn các doanh nghiệp địa phương, đặc biệt của người trẻ, phải chuyển ra vùng ven.
>> Chủ nhà đòi tăng giá lên 32 triệu đồng, hai năm không có người thuê
Điều này khiến các ngành nghề thúc đẩy văn hóa như ẩm thực, thời trang gặp rất nhiều khó khăn. Các bạn trẻ muốn mở nhà hàng thuần Việt chỉ có thể chạy ra các quận như Bình Thạnh, Gò Vấp, khu xa quận 5, quận 10.
Trong khi đó, khu quận 1, quận 3 chỉ toàn các thương hiệu ngoại nhập. Hãy thử nhìn xem có bao nhiêu hàng quán Việt Nam có thể cạnh tranh được với các thương hiệu nước ngoài? Chưa bàn đến chất lượng sản phẩm, chỉ riêng chi phí mặt bằng đã khiến họ không đủ sức cạnh tranh".
Hữu Nghị tổng hợp