"Mọi người đang nhìn ở góc nhìn nhỏ. Chưa có tầm nhìn tổng quát. Nếu tất cả người bán hàng vỉa hè đều bắt buộc phải thuê mặt bằng, thì giá của sản phẩm sẽ tăng đồng bộ như nhau, không ai phải 'cạnh tranh' với ai cả.
Vì ai cũng cần phải thuê mặt bằng và cộng vào phần chi phí. Người mua sẽ chấp nhận điều đó vì không ai có thể bán rẻ hơn. Chỉ có trường hợp người bán vỉa hè, người bán thuê mặt bằng thì mới xảy ra cạnh tranh thôi.
Đặt một giả thuyết phải xét trên bình diện chung chứ không phải chỉ thấy mỗi bà bán hàng rong 'chỗ mình' ra so với ông bán tại cửa hàng được. Còn nếu giữ hàng rong, thì ai đó hãy nán lại một tiếng xem người ta bán thế nào?".
Độc giả nickname ĐỌC bình luận như trên, cho rằng nếu ai bán quán ăn cũng phải thuê mặt bằng, thì tiền thuê được cộng vào giá thành và tất cả sẽ tăng đồng bộ, người mua phải chấp nhận. Quan điểm này được nêu sau bài viết Thế khó của bà bán hủ tíu phải gánh 9 triệu tiền mặt bằng.
Độc giả nickname Tanukichi không đồng ý quan điểm trên:
"Nhiều người nói loại bỏ buôn bán vỉa hè thì không còn cạnh tranh giá sẽ lên chung mà không nghĩ đến một vấn đề khi giá cao chung thì người ta sẽ không còn ăn quán nữa hoặc ăn rất hạn chế.
Ở chỗ tôi, đa phần các quán mới mở phải thuê mặt bằng giá lúc nào cũng cao hơn quán bình thường khoảng 10 nghìn đồng. Thế là bát phở 40 nghìn sẽ thành 50 nghìn đồng.
Vậy nên đa phần các quán lâu đời, chủ quán bán tại nhà thường luôn có giá tốt hơn các quán mới mở đi thuê mặt bằng.
Và chỉ sau một thời gian các quán mới mở thường đóng cửa, trừ khi trong khu vực đó không có các quán phở tồn tại từ lâu bán vỉa hè hoặc tại nhà riêng.
Hữu Nghị tổng hợp