Bày tỏ sự đồng cảm với câu chuyện "Chồng không cho bố vợ mượn ôtô", độc giả K chia sẻ quan điểm không cho người thân mượn tài sản có giá trị:
"Tôi có chiếc xe cũ nhưng người nhà hỏi mượn cũng thấy ngại.
Thứ nhất, hiện tại đó lại tài sản lớn nhất của tôi. Lao động dành dụm bao lâu mới mua được. Mỗi người sẽ có một hoàn cảnh khác nhau. Hai vợ chồng làm lương tháng tổng cộng có 25 triệu đồng/ tháng thì chiếc xe giá trị rất lớn. Chưa kể có khi trả góp cũng chưa xong.
Thứ hai, nếu mượn mà bình thường thì không sao, lỡ không may có chuyện gì, xe trầy xước, móp, bể, bị bẻ kính... thì rất khó xử cho cả hai bên. Không lẽ bắt đền bố vợ? Mà nếu ông cụ tự đưa tiền mà anh này "dám" nhận thì chắc cũng bị nói ra nói vào.
Tôi nghĩ là tài sản của người khác, cho mượn hay không là quyền của họ. Nếu biết nghĩ thì mọi người không nên mượn tài sản có giá trị như vậy. Thiếu gì cách để thuê xe".
Đồng quan điểm trên, bạn đọc badg79 cũng chấp nhận "mất lòng trước, được lòng sau" thì vì cho người thân quen mượn tài sản giá trị:
"Đem ôtô cho người khác mượn, ai thấy tự hào thì cứ cho mượn, riêng tôi thì không. Tôi thích chạy xe, chăm chút cho chiếc xe, và tôi rất ngại cho mượn, hầu như là không muốn. Tôi chỉ muốn lái xe chở gia đình, như vậy có gì không ổn? Cũng biết là họ không thiếu tiền để thuê xe, nhưng tôi nghĩ thà tôi bỏ tiền thuê xe khác cho họ đi, chứ cũng không muốn họ mượn xe mình. Một lần, hai lần rồi nhiều lần, nhất định sẽ có chuyện. Nên tôi từ chối từ đầu, mất lòng trước được lòng sau".
Trong khi đó, nhìn nhận dưới góc độ pháp lý, độc giả Dzglam cũng ủng hộ quan điểm không cho mượn xe:
"Cái xe có nhiều khả năng gây ra tai nạn cho người khác hơn những dụng cụ vặt vãnh khác trong nhà. Tôi cũng sẽ không cho mượn vì lý do pháp lý. Công ty bảo hiểm của tôi cũng khuyên không nên cho mượn cũng vì vậy. Nếu hai người đều có tên trong bảo hiểm vật thể và trách nhiệm hình sự của cái xe thì cho mượn qua lại không sao. Ví dụ, một người làm việc liên quan tới an ninh, họ được cấp phép cho dùng cây súng, nếu người thân của họ muốn mượn cây súng đó thì sao? Không việc gì phải cả nể với những việc thiếu suy nghĩ và vô trách nhiệm đó".
"Chuyện khác thì tôi không biết, nhưng chuyện mượn ôtô là không nên. Xe là tài sản lớn, nhưng lại rất dễ bị sự cố trong điều kiện giao thông ở Việt Nam. Nó có thể dễ dàng bị tổn thương: bị va quẹt, trầy móp, bị bẻ gương, công an thổi phạt... Đồng thời cũng dễ dàng gây tổn thương cho người khác như gây tai nạn hoặc bị va chạm, và càng đáng sợ hơn khi người mượn ít lái hoặc không quen lái, khiến cho chủ xe gặp rắc rối về pháp lý. Do đó, nếu có tự trọng, nên thuê xe tự lái, đừng mượn ôtô của người khác", bạn đọc Nguyen bổ sung.
Chia sẻ những kinh nghiệm thực tế ở các quốc gia khác, độc giả Yulia Nguyễn tái khẳng định những hệ lụy không đáng có của việc cho người khác mượn xe:
"Quan điểm của tôi là của ai nấy dùng, không có thì không nên mượn. Vả lại, có rất nhiều phương án xử lý khi không có xe. Tâm lý người Việt đã mượn được một lần, sẽ có mượn lần thứ hai. Hơn nữa, đồ của bản thân thì giữ gìn nhưng đồ đi mượn lại không. Tốt nhất hãy tự đi thuê xe.
Tôi sống bên Nhật. Người Nhật rất ngại làm phiền nhau nếu họ có thể tự giải quyết được. Đây gọi là biết nghĩ cho đối phương. Bản thân tôi cũng là một người vợ, nếu nhà đẻ mình có tỏ ý nhờ vả gì, tôi sẽ hỏi ý kiến chồng trước, có gì sẽ từ chối khéo cho chồng, tránh việc làm chồng khó xử. Nhiều lúc em trai ruột gọi điện nhờ anh rể mua cái này cái kia, chưa mua được thì giục hỏi. Tôi nói thẳng luôn "không phải cứ nhờ là phải gửi về, trừ thuốc men, và đã nhờ mua là phải trả tiền", chứ không lần sau họ sẽ quen thói nghĩ nhờ mua sẽ được cho. Vừa không tốt cho chính người nhà, cho mối quan hệ vợ chồng và hình ảnh nhà vợ trong mắt chồng".
"Tôi ở Mỹ, luật ở Mỹ không cho phép người lái xe nếu không có tên trong giấy bảo hiểm của xe đó. Nếu ai không hiểu luật thì sẽ buồn vì người trong nhà không cho mượn xe. Khi ai trong nhà không có xe đi lại thì tốt nhất là thuê xe khi cần hoặc đi taxi, hoặc đăng ký tên vào bảo hiểm của xe đó với điều kiện là người đó có địa chỉ cùng với địa chỉ của giấy đăng ký xe. Ở Việt Nam thì tôi không rành, nhưng nếu giống như tôi nói trên thì hãy làm theo", bạn đọc Bo nhấn mạnh.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.