Một phần tên lửa chở vệ tinh Yunhai 3 vào tháng trước giờ đây trở thành đám mây 350 mảnh vỡ. Tên lửa Trường Chinh 6A phóng từ Thái Nguyên, miền bắc Trung Quốc hôm 11/11, đưa thành công vệ tinh theo dõi môi trường Yunhai 3 lên quỹ đạo dự kiến.
Tuy nhiên, tầng trên của tên lửa bị vỡ không lâu sau đó. Hôm 12/11, Phi đội phòng thủ không gian 18 (18 SDS) của Lực lượng không quân Mỹ báo cáo đơn vị này đang theo dõi ít nhất 50 mảnh vỡ riêng rẽ từ thân tên lửa. Dữ liệu theo dõi liên tục của 18 SDS cho thấy hiện nay, đám mây mảnh vỡ liên quan tới tầng trên tên lửa đã tăng lên 350 mảnh.
Quá trình tan vỡ của các tầng tên lửa không hiếm gặp. Tính đến nay, Văn phòng rác vũ trụ của Cơ quan Vũ trụ châu Âu tại Darmstadt, Đức, ghi nhận hơn 630 vụ tan vỡ, nổ, va chạm hoặc sự kiện bất thường trên quỹ đạo tạo ra mảnh vụn. Va chạm với rác vũ trụ hoặc vi thiên thạch có thể dẫn tới nhiều mảnh vụn hơn. Nhiều nhà vận hành tàu vũ trụ đang tiến hành các biện pháp ngăn chặn những vụ nổ như vậy, chẳng hạn rút hết nhiên liên đẩy còn dư ở bình chứa và tháo bộ pin.
Nhà vật lý thiên văn kiêm chuyên gia theo dõi vệ tinh Jonathan McDowell cho biết, phân bố mảnh vỡ từ tên lửa Trường Chinh 6A cho thấy đó là một vụ nổ mạnh. Theo ông, xét theo thời gian, có khả năng quá trình rút nhiên liệu đẩy thất bại và nhiên liệu còn sót lại kích nổ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định sự những gì xảy ra không ảnh hưởng tới trạm vũ trụ Thiên Cung hay Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Phần lớn mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 6A nằm ở độ cao 800 - 1.000 km. Chúng sẽ mất thời gian dài để rơi trở lại khí quyển. Trạm ISS đang quay ở độ cao trung bình 420 km phía trên Trái Đất trong khi trạm Thiên Cung bay thấp hơn một chút.
An Khang (Theo Space)