Tên lửa đẩy Trường Chinh 7A được phóng thành công lên quỹ đạo hôm 12/3, tại bãi phóng Văn Xương, tỉnh Hải Nam. Đây là nhiệm vụ bay thứ 362 của loạt tên lửa Trường Chinh.
Qua nhiều lần cải tiến, tên lửa này được sử dụng để phóng vệ tinh lên quỹ đạo chuyển tiếp địa tĩnh (GTO), với trọng tải trên 7 tấn. Chuyên gia Chen Fengyu, Học viện Công nghệ thiết bị phóng Trung Quốc cho biết, thiết bị dài 60,1 m, dài hơn 7 m so với phiên bản chưa cải tiến do có thêm một tầng hydrolox (động cơ cryogenic dùng nhiên liệu lỏng đông lạnh). Tầng này giúp thiết bị có nhiều nhiên liệu khi bay vào quỹ đạo cao hơn.
Phần mũi hình nón của tên lửa có đường kính 4,2 m. Nhóm nghiên cứu dự định phát triển phần mũi tên lửa với đường kính 5,2 m để thích ứng với các vệ tinh lớn hơn trong tương lai. Thiết bị này hỗ trợ thử nghiệm trên quỹ đạo các công nghệ mới như quan trắc môi trường vũ trụ, dò tìm CO2.
Trường Chinh 7A là lực lượng chủ đạo trong chuỗi phương tiện phóng thế hệ mới, loại tên lửa mang lên quỹ đạo tầm cao đầu tiên, được coi là tiêu chuẩn của tên lửa quỹ đạo cao cỡ trung bình của Trung Quốc.
Nguyễn Xuân (Theo CCTV)