Đúng 13h42 ngày 9/5 theo giờ Hà Nội, một tên lửa Falcon 9 "kỳ cựu" của SpaceX đã cất cánh từ Tổ hợp phóng 40 tại Trạm Không quân Mũi Canaveral ở Florida, Mỹ, mang theo 60 vệ tinh Internet lên quỹ đạo. Đây là sứ mệnh Starlink thứ ba được công ty triển khai chỉ trong vòng 11 ngày.
Khoảng 9 phút sau khi phóng, tầng đẩy thứ nhất của tên lửa - có mã hiệu B1051 - đã hạ cánh nhẹ nhàng xuống sà lan không người lái ""Just Read the Instructions" đậu trên Đại Tây Dương, đánh dấu chuyến bay thành công lần thứ 10 liên tiếp của thiết bị, một kỷ lục mới trong việc tái sử dụng tên lửa của SpaceX.
"Lần đầu tiên một tên lửa Falcon 9 có số chuyến bay đạt mốc hai con số", Giám đốc điều hành Elon Musk nhấn mạnh trong một tuyên bố trên Twitter.
Tầng đẩy thứ nhất của Falcon 9 được thiết kế có thể bay 10 lần mà không cần đại tu. Nếu được sửa chữa định kỳ, thiết bị thậm chí có thể tái sử dụng tới 100 lần. Trong 10 lần bay của B1051, có tổng cộng 7 sứ mệnh Starlink, hai vụ phóng vệ tinh thương mại cho công ty Sirius XM của Mỹ và Cơ quan Vũ trụ Canada, cùng một nhiệm vụ thử nghiệm tàu chở phi hành đoàn Dragon C204.
Với sứ mệnh Starlink thứ 27, SpaceX đã đưa tổng cộng 1.625 vệ tinh Internet lên quỹ đạo, trong đó có 1.558 thiết bị còn hoạt động. Để mạng Starlink có thể phủ sóng liên tục trên phạm vi toàn cầu, công ty cần triển khai thêm khoảng 25 lô vệ tinh nữa. Mục tiêu cuối cùng của Musk là mở rộng mạng lưới lên 42.000 vệ tinh.
Chuyến bay hôm 9/5 cũng đánh dấu sứ mệnh không gian thứ 14 trong năm nay của SpaceX. Công ty đang hướng tới phá kỷ lục 26 vụ phóng trong một năm dương lịch do chính họ thiết lập vào năm ngoái.
Đoàn Dương (Theo Space)