Trung tâm Vũ khí Hạt nhân thuộc không quân Mỹ tuần này công bố tài liệu Đánh giá Môi trường liên quan tới hoạt động thử Hệ thống Răn đe Chiến lược Mặt đất (GBSD) tại thao trường thử nghiệm phòng thủ tên lửa đạn đạo Ronald Reagan ở quần đảo Marshall.
Một phần báo cáo đề cập tới tác động môi trường liên quan tới đợt thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm AGM-183A, trong đó nhận định một vụ thử vũ khí hoàn chỉnh có thể làm chết tối đa 4 con ốc và 90 con sò ở bãi san hô Kwajalein tại khu vực nam Thái Bình Dương.
AGM-183A, còn có tên gọi khác là "Vũ khí Phản ứng nhanh phóng từ máy bay" (ARRW), là một trong những chương trình tên lửa siêu vượt âm đang được phát triển cho không quân Mỹ, nhằm thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực này với các đối thủ như Nga và Trung Quốc.
Quả đạn AGM-183A được thả tự do từ máy bay như bom thông thường, sau đó kích hoạt động cơ tên lửa để giúp đầu đạn đạt tốc độ và độ cao phù hợp. Vỏ bảo vệ sau đó sẽ bung ra và đầu đạn lướt tới mục tiêu với tốc độ trên 6.000 km/h. Mỗi oanh tạc cơ B-52 có thể mang tối đa 4 quả AGM-183A.
Không quân Mỹ hồi tháng 4 thừa nhận đã gặp bước lùi trong phô diễn tiến bộ với chương trình AGM-183A khi thử nghiệm có động cơ đẩy đầu tiên gặp trục trặc. Quả đạn thử nghiệm không thể hoàn tất quy trình phóng và vẫn treo dưới cánh oanh tạc cơ B-52H cho đến khi về căn cứ Edwards.
Đợt phóng này nhằm kiểm tra tính năng của động cơ đẩy, cũng như khả năng tách rời của phương tiện lướt siêu vượt âm sau khi động cơ tên lửa ngừng hoạt động. Đầu đạn được thiết kế để tự vỡ vụn không lâu sau khi tách khỏi động cơ, giúp thu nhỏ vùng cấm tàu bè và máy bay.
Không quân Mỹ từng tiến hành 7 chuyến bay thử với mô hình tên lửa AGM-183A để thu thập dữ liệu định vị và tham số bay, kiểm tra khả năng tích hợp tên lửa lên nền tảng phóng B-52 và xây dựng quy trình vận hành cho đợt bắn thử đầu tiên. Lực lượng này chưa thử nghiệm nguyên mẫu AGM-183A hoàn chỉnh với đầy đủ động cơ và phương tiện lướt siêu vượt âm.
Vũ Anh (Theo Drive)