"Tại sao chúng ta lại nghĩ tới một ý tưởng đắt đỏ như vậy, trong khi Lầu Năm Góc không có tiền? Tôi nghĩ thật ngu ngốc khi đầu tư số tiền khổng lồ để chế tạo những thứ mà không quân Mỹ đã làm chủ", tướng Timothy Ray, chỉ huy Bộ Tư lệnh Tấn công Toàn cầu thuộc không quân Mỹ, nói trên đài phát thanh hồi tuần trước.
Tướng Ray đề cập đến dự án Hệ thống Vũ khí Chính xác Tầm xa (LRPF) của lục quân Mỹ, trong đó đặt mục tiêu phát triển tên lửa và pháo phản lực tầm trung, lấp khoảng trống vũ trí đối đất và chống hạm có tầm bắn 1.000 km hiện nay. Lục quân Mỹ hồi năm ngoái khẳng định đây là yếu tố quan trọng nhằm đối phó năng lực chống tiếp cận và chống xâm nhập khu vực (A2/AD) của đối phương.
Tướng Ray cho rằng loại vũ khí mới của lục quân sẽ không hấp dẫn với khách hàng nước ngoài tại châu Âu và châu Á, trong khi năng lực tiến công tầm trung của Mỹ có thể được đảm bảo bởi lực lượng oanh tạc cơ chiến lược mang tên lửa hành trình.
Tư lệnh lục quân Mỹ Ryan McCarthy cho biết quân chủng này đã đầu tư 1,3 tỷ USD vào dự án LRPF và đang đề xuất quốc hội Mỹ duyệt thêm 1,7 tỷ USD cho năm nay, trong đó 800 triệu USD sẽ dành phát triển khẩu đội tên lửa siêu vượt âm phóng từ mặt đất. Lục quân Mỹ dự kiến sẽ bỏ ra 10 tỷ USD trong 10 năm tới cho LRPF.
Washington đang phát triển nhiều hệ thống tên lửa tầm trung kể từ khi đơn phương rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) hồi năm 2019. Hiệp ước này cấm Mỹ và Nga phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn 500-5.500 km.
Lục quân Mỹ đang theo đuổi dự án tên lửa hành trình tầm trung mới, sau khi chương trình nâng cấp liên quân binh chủng cho Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) bị đình trệ vì vấn đề kỹ thuật. Lục quân Mỹ xác nhận dự án nâng cấp ATACMS được triển khai từ năm 2016 đã chậm kết hoạch, nhưng từ chối tiết lộ nguyên nhân vì lý do an ninh.
Vũ Anh (Theo Sputnik)