Video được OSINTtechnical, tài khoản chuyên theo dõi tình hình chiến sự tại Ukraine, chia sẻ trên Twitter hôm 24/6 cho thấy một hệ thống tên lửa phòng không khai hỏa vào ban đêm gần thành phố Alchevsk ở tỉnh Lugansk, miền đông Ukraine.
Thời điểm quay video không được công bố, nhưng OSINTtechnical cho biết sự việc xảy ra tại khu vực do lực lượng ly khai thân Nga kiểm soát suốt nhiều năm qua. Rob Lee, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại tại Pennsylvania, Mỹ, cũng chia sẻ video này.
Trong video, khẩu đội phòng không phóng liên tiếp 4 quả đạn. Ba tên lửa đầu tiên lao đến mục tiêu và để lại vệt khói, trong khi quả đạn thứ tư ngoặt gấp hình chữ U chỉ hai giây sau khi rời bệ phóng. Tên lửa lao xuống gần trận địa và nổ tung, nhiều khả năng gây hư hại cho bệ phóng.
Chủng loại tên lửa và lực lượng vận hành khẩu đội chưa được xác định. Quân đội Nga và Ukraine chưa bình luận về thông tin.
David Shank, cựu chỉ huy Trường Pháo phòng không Lục quân Mỹ, cho rằng có hai kịch bản dẫn tới sự cố này. "Khả năng đầu tiên là quả đạn gặp trục trặc sau khi rời bệ, hoặc bị hư hại trong quá trình nạp và chuẩn bị phóng. Tôi đã chứng kiến sự cố như vậy với các hệ thống của Mỹ. Điều đó khá hiếm gặp, nhưng không phải chưa từng xảy ra", ông nói.
Một hệ thống phòng không tầm xa Patriot của Arab Saudi từng gặp vấn đề tương tự khi tham gia đánh chặn tên lửa của phiến quân Houthi hồi năm 2018. Video do các nhân chứng quay khi đó cho thấy quả đạn MIM-104C quay ngược 180 độ và lao xuống đất vài giây sau khi phóng.
"Tên lửa cũng có thể đang nhắm vào mục tiêu đang lao tới khu vực do nó bảo vệ. Rất khó để xác định trong tình huống này", Shank nói thêm.
Các hệ thống phòng không thường áp dụng phương pháp bắn đón, trong đó đài điều khiển hoặc quả đạn sẽ liên tục tính toán vị trí đánh chặn dựa trên tốc độ và hướng bay của mục tiêu. Tuy nhiên, mục tiêu có đường bay phức tạp hoặc tốc độ cao có thể khiến tên lửa đưa ra vị trí đánh chặn nằm ngoài tham số an toàn, khiến quả đạn lao xuống đất hoặc quay ngược đầu.
Shank cho rằng sự cố trong video có thể gây thiệt hại cho khẩu đội phòng không do vị trí quả đạn phát nổ nằm rất gần trận địa, các mảnh văng có khả năng làm hỏng đài radar và bệ phóng.
Vũ Anh (Theo Drive)